Thi viết về GTVT

Hậu trường chuyện mở đường về Đất Mũi

07/07/2022, 06:30

Khi có chủ trương “xé rừng” làm đường chạy đến tận Đất Mũi, lúc đó người dân cũng chưa hình dung được hình dáng con đường sẽ như thế nào.

Trước đây, từ trung tâm TP Cà Mau đi đến Mũi Cà Mau phải mất nhiều giờ đi đò, phà cao tốc qua các nhánh sông chằng chịt. Nhưng nay, với đường Hồ Chí Minh rộng mở, chỉ cần ngồi ô tô hơn 1 giờ 30 phút là đến tận cùng Đất Mũi.

img

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi được thông xe phá thế “ốc đảo” của huyện Ngọc Hiển

“Ốc đảo ngủ quên”

“Thời khắc bừng sáng nơi “ốc đảo” chính là vào sáng 16/1/2016 - ngày thông xe, lần đầu tiên người dân tận mắt nhìn thấy cả đoàn xe hơi xuyên qua xóm Rạch Tàu về tận chót Mũi Cà Mau khiến người dân đổ hết ra đường ngắm ô tô.

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi được thông xe, tôi cũng như nhiều người dân nơi đây như vỡ òa niềm vui”, ông Lý Hoàng Tiến, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Ngọc Hiển nhớ lại.

Cách nay hơn 10 năm, hễ nói đến đường về xã Đất Mũi là nhiều người lắc đầu ngán ngẩm. Bởi nơi đây chủ yếu là rừng đước, rừng ngập mặn.

Việc đi lại của người dân địa phương chủ yếu bằng tàu, phà cao tốc do sông ngòi ở đây chằng chịt. Không có tuyến đường bộ nên có xe cũng bằng không.

Cuộc sống người dân gắn liền với từng con kênh, rạch, nhiều người gọi đây là “ốc đảo ngủ quên”…

Ông Nguyễn Văn Cường (người dân thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) nhớ lại, khi chưa có đường Hồ Chí Minh, việc vận chuyển hàng hóa của người dân ở Mũi Cà Mau gặp rất nhiều khó khăn.

“Mỗi chuyến tàu từ TP Cà Mau về đến chợ Rạch Tàu (trung tâm xã Đất Mũi) mất khoảng 3 giờ và phải phụ thuộc vào thời gian tàu chạy, trễ chuyến là phải đợi đến ngày hôm sau”, ông Cường nhớ lại.

Ông Võ Công Trường, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi chia sẻ, trước kia, khi ông học lên cấp 3 là phải đi trọ học ở trên huyện xa xôi, vài ngày mới về được tới nhà. Còn người ốm đau cần cấp cứu thì phải vận chuyển bằng ca nô, thuyền bè vất vả trăm bề.

“Mỗi lần lên huyện họp phải mất một ngày đi đò, đi tàu cao tốc lên tới Năm Căn, sau đó phải chờ đi về Rạch Gốc, nếu tàu chở đầy khách thì chủ phương tiện không rước, trễ hai chuyến thì xin phép về luôn không dự họp được. Khi về phải bao đò, chi phí rất lớn. Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hóa, nhất là mặt hàng đồ tươi (tôm, mực, cá…) bị chậm, bị hư, giá vận chuyển cũng đắt đỏ”, ông Trường kể.

Ông Lý Hoàng Tiến chia sẻ, người dân ở Ngọc Hiển sống chủ yếu bằng nuôi trồng thủy sản, vì có 98km bờ biển với ngư trường biển rộng trên 15.000km2.

Con đường “ý Đảng, lòng dân”

img

Những năm qua, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi thường xuyên được quan tâm duy tu, sửa chữa kịp thời nhằm đảm bảo trật tự ATGT

Nhận thấy được khó khăn, cũng như mong mỏi của người dân Ngọc Hiển có được con đường giao thông nối tận đến Đất Mũi, tranh thủ sự quan tâm của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng quyết tâm tạo đột phá đề xuất mở đường độc đạo.

Để rồi, tháng 4/2009, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi chính thức được khởi công tại thị trấn Năm Căn.

Dự án đi qua hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển với chiều dài 51km, có 27 gói thầu.

Điểm đầu của đoạn tuyến kết nối với QL1 hiện hữu tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn và điểm cuối là Khu du lịch Mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), với tổng mức đầu tư 3.540 tỷ đồng, từ vốn Trái phiếu Chính phủ, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, trực tiếp quản lý là Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh.

Dự án có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với tỉnh Cà Mau nói riêng và khu vực miền Tây nói chung. Cùng với QL1A, dự án sẽ tạo nên trục giao thông huyết mạch xuyên suốt cho tỉnh Cà Mau với ĐBSCL, đặc biệt nối liền hai điểm đầu và cuối của đường Hồ Chí Minh từ cực Bắc (Pác Bó, tỉnh Cao Bằng) đến cực Nam (Đất Mũi, tỉnh Cà Mau), có tổng chiều dài 3.183km.

Theo ông Võ Công Trường, địa chất ở Ngọc Hiển vốn là vùng trũng, rất thấp, khi đầu tư làm đường gặp nhiều khó khăn, nhiều công trình, phần việc phát sinh thêm.

“Tôi nhớ như in, trước đây, một đoạn qua địa bàn xã Đất Mũi, khi đậu xe máy trên đường, một lúc sau quay lại không thấy xe đâu, vì nền đường bị lún xuống không thấy hai bên, giống như “bao tử trâu” bị chìm xuống.

Sau đó, đơn vị thi công phải làm cừ, bơm cát, vất vả lắm. Theo thời gian, nền đường ở một số vị trí bị lún xuống thấp hơn cống, các mố cầu cũng lún”, ông Trường nhớ lại.

Phó bí thư Huyện ủy Lý Hoàng Tiến nói: “Khi có chủ trương “xé rừng” làm đường chạy đến tận Đất Mũi, lúc đó người dân cũng chưa hình dung được hình dáng con đường nó sẽ như thế nào.

Hơn nữa, khi làm đường khâu khó khăn nhất vẫn là giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, nên có nhiều người có ý kiến trái chiều”.

Cũng theo ông Tiến, sau đó, nhờ tuyên truyền tốt, hầu hết người dân đều đồng tình ủng hộ và chủ động bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.

“Thời điểm thông xe sáng 16/1/2016, bà con rất phấn khởi, có chiếc xe ô tô đầu tiên chạy xuống tận Đất Mũi, những em nhỏ quây quanh xem xe ô tô khiến tài xế không thể lùi xe được”, ông Võ Công Trường nhớ như in.

Khơi dậy tiềm năng nơi cực Nam của Tổ quốc

img

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi đang được đơn vị thi công nâng cấp chống ngập úng, đảm bảo ATGT

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi có ý nghĩa hết sức quan trọng vì xóa thế “ốc đảo” biệt lập của huyện Ngọc Hiển.

Theo ông Tiến, để tiếp tục tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư, phát triển, hiện nay, huyện Ngọc Hiển đang xúc tiến các bước quy hoạch cụ thể các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, cụm kinh tế biển, dịch vụ hậu cần nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản, chọn quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.

“Chúng tôi luôn kêu gọi và sẵn sàng hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế trong và ngoài huyện tìm kiếm cơ hội đầu tư và phát triển bền vững các lĩnh vực trên địa bàn huyện Ngọc Hiển”, ông Tiến thông tin thêm.

Đến hiện tại, nhìn đoàn xe ô tô hàng chục chiếc nối đuôi nhau chạy thẳng một mạch từ TP Cà Mau về tận Mũi Cà Mau - nơi có Cột mốc tọa độ Quốc gia, điểm cực Nam của Tổ quốc, có Cột cờ Hà Nội, ai nấy đều phấn khởi, vui tươi, bởi từ nay không còn phải chờ đợi những chuyến tàu.

Những cây cầu như: Cầu Đầm Cùng, cầu Năm Căn… đã được bắc qua các sông lớn, nối liền đường Hồ Chí Minh, góp phần đưa vùng đất Mũi Cà Mau xích lại gần hơn với mọi miền Tổ quốc.

Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi có điểm đầu tại cầu Ông Tình (thị trấn năm Căn, huyện Năm Căn) và điểm cuối tại Khu du lịch Đất Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) tỉnh Cà Mau.

Toàn tuyến có tổng chiều dài hơn 58km, quy mô đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, 2 làn xe, bề rộng nền đường 7,5m... Đầu tháng 1/2016, dự án được đầu tư và cơ bản hoàn thành 51,3km, còn 7,4km cuối tuyến đến nay cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.