“Biệt động Sài Gòn” là bộ phim đầu tiên, duy nhất của điện ảnh Việt Nam tái hiện những sự kiện nổi bật của lực lượng biệt động Sài Gòn trong chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đã hơn 30 năm trôi qua nhưng kỷ niệm về những năm tháng đóng phim chưa khi nào phai mờ trong tâm trí của các diễn viên.
Đổ máu để hoàn thành vai diễn
Đã hơn 30 năm kể từ ngày bộ phim “Biệt động Sài Gòn” của đạo diễn Long Vân ra mắt, đưa tên tuổi của hàng loạt diễn viên như: Thương Tín, Thanh Loan, Quang Thái, Bùi Cường, Hai Nhất, Hà Xuyên... tỏa sáng trên bầu trời điện ảnh Việt Nam.
Trong khoảng thời gian dài ấy, có diễn viên đã qua đời như Quang Thái và Bùi Cường; còn đạo diễn Long Vân cũng đã tuổi cao sức yếu. Những người còn lại cũng mỗi người một ngả. Thế nhưng, ký ức về những năm tháng làm phim của họ chưa bao giờ phai mờ.
Theo tìm hiểu, 4 tập phim của “Biệt động Sài Gòn” được thực hiện trong suốt 4 năm (1982-1986), là khoảng thời gian nhiều kỷ niệm nhưng gian khổ. Bốn năm, đã có những thành viên trong ê-kíp gặp gỡ, yêu nhau rồi kết hôn và sinh con; cũng có người đổ bệnh qua đời…
Cũng đã có người phải nhập viện vì tai nạn nghề nghiệp như diễn viên Hai Nhất. Cho đến bây giờ, mỗi khi ông Hai Nhất nhìn vào mu bàn tay lấm tấm như đồi mồi của mình, trong đầu ông lại hiện lên hình ảnh làm phim “Biệt động Sài Gòn”.
Thuở ấy, Hai Nhất vào vai tên phản bội Ba Cẩn và bị Ngọc Lan (Thúy An đóng) - một thành viên của nhóm biệt động Sài Gòn bắn chết. Ông kể thời đó, kinh tế khó khăn nên diễn viên chỉ có một bộ trang phục. Yêu cầu của đạo diễn là diễn viên cố gắng diễn “một đúp ăn ngay” vì nếu hỏng, sẽ không có bộ quần áo thứ hai và làm hỏng rắc-co của phim.
Trong cảnh này, Hai Nhất được gài một túi máu giả trong ngực để kích nổ khi bị Ngọc Lan bắn. Vì áo sẽ rách nên buộc ông và Thúy An chỉ được diễn 1 đúp.
Lúc tập, Thúy An được yêu cầu bắn chếch ra ngoài 30 phân vì đạo cụ là súng thật, đã được lấy đầu đạn nhưng vẫn còn thuốc súng và có khả năng sát thương. Nhưng cảnh quay bắt đầu, Thúy An đã không may bắn trúng bàn tay của Hai Nhất.
“Cả mu bàn tay của tôi lãnh đủ, nhưng vì đang quay, tôi phải cố diễn và chờ phát súng thứ hai của Thúy An để kết thúc cảnh quay. Bên ngoài, tiếng đạo diễn Long Vân vẫn văng vẳng “Tốt lắm!”. Vừa nghe đạo diễn hô “cắt”, tôi ôm cánh tay kêu cứu. Tôi được đưa thẳng đến Bệnh viện Thống Nhất để bác sĩ lấy thuốc súng ra”, nghệ sĩ bồi hồi kể lại.
Đến giờ, vẫn còn một ít thuốc súng trong bàn tay của ông và trái gió trở trời, bàn tay vẫn bị ngứa. Nhưng đó chưa phải tai nạn duy nhất của “Ba Cẩn”.
Khi làm phim này, phân đoạn Ba Cẩn đánh nhau với Sáu Tâm (Thương Tín đóng) để khuyên Sáu Tâm bỏ làm cộng sản, Hai Nhất đã bị Thương Tín đá trúng hạ bộ thay vì một cú đá lệch. Cú đá khiến Hai Nhất “chết điếng”, đau tới nỗi phải ôm bộ hạ nhảy lò cò. Ông càng kêu đau, đạo diễn Long Vân càng thích thú.
Cảnh quay hoàn thành, Hai Nhất quỳ xuống đất. “Thương Tín đến hỏi han và hứa đền bù cho tôi bằng một chầu bia vào buổi chiều”, ông tủm tỉm nhớ lại.
Những đại cảnh có một không hai
Nhắc tới “Biệt động Sài Gòn” không thể không nói tới đại cảnh gây ấn tượng trong trận đánh ở phần cuối phim. Khoảng 7-8 xe tăng, trực thăng của quân đội Mỹ trước đây đã được trưng dụng.
Cùng đó, Bộ Quốc phòng phê duyệt, điều động công nhân người Nga tại Vũng Tàu để vào vai lính Mỹ tham gia đại cảnh. Đạo cụ, trang phục đều được huy động từ Tổng kho Long Bình. Cảnh quay được thực hiện ở Củ Chi. Các diễn viên đều khẳng định, sẽ khó có một bộ phim thứ hai làm được cảnh quay này.
Nghệ sĩ Hai Nhất nhớ lại, trước khi vào đại cảnh, ê-kíp phải họp rất kỹ bởi có hàng trăm người Nga không biết tiếng Việt. Chỉ đạo họ tấn công hướng nào, chạy về đâu… phải sát sao. Cảnh quay này có sự cố vấn của Tướng Trần Hải Phụng.
Trong đại cảnh ấy, Hai Nhất ngồi trên một chiếc trực thăng, được buộc dây vào người để giữ an toàn. “Trực thăng bay thấp nhưng từ trên nhìn xuống mới thấy sự hoành tráng, không thể tả được”, ông bộc bạch.
Ngày quay đại cảnh này không có nhân vật Ni cô Huyền Trang (nghệ sĩ Thanh Loan đóng) - một trong những vai chính trong phim, nhưng bà cũng lặn lội tới xem. Ấn tượng trong bà là sự “khủng khiếp”.
Trong đời diễn viên, nghệ sĩ Thanh Loan chưa từng được chứng kiến đại cảnh nào dữ dội và hoành tráng thế. Ba chiếc trực thăng và 4 xe tăng cùng chạy, tạo hoạt cảnh như một cuộc chiến thật.
Trong đó, một chiếc trực thăng chở quay phim và đạo diễn Long Vân, bên dưới có các phó đạo diễn và cố vấn điều chỉnh. Cảnh quay cũng huy động các chiến sĩ lái xe tăng, trực thăng của Bộ Quốc phòng.
Ngoài ra, theo lời các nghệ sĩ, những đại cảnh trong thành phố như trận đánh Khách sạn Caravelle, ở tòa Đại sứ Mỹ buộc phải cắm cờ Mỹ.
Do tính nhạy cảm chính trị, ê-kíp phải xin phép Bộ Quốc phòng và UBND TP HCM, đồng thời chặn hết các nẻo đường xung quanh khu vực quay phim để người dân không thể vào. Cờ Mỹ cũng chỉ được phép cắm ở một khu bối cảnh hẹp chứ không được quay ở phạm vi rộng, thời gian cắm cờ cũng được quy định cụ thể.
Chuyện bên lề chưa kể
Ngoài ba diễn viên là Hai Nhất, Thương Tín, Hà Xuyên và Thúy An, cả đoàn làm phim và các diễn viên chính còn lại như: Bùi Cường, Thanh Loan, Quang Thái đều từ ngoài Bắc vào TP HCM để quay phim.
Theo nghệ sĩ Thanh Loan, người miền Nam khi đó chỉ thần tượng Thương Tín. Mỗi ngày, rất nhiều cô gái tìm đến trường quay để chiêm ngưỡng, chăm sóc nam diễn viên. Còn diễn viên miền Bắc không được biết tới do phim ảnh không phát triển, khán giả chưa từng xem phim của miền Bắc.
Thời đó, phương tiện đi lại chưa thuận tiện nên có những diễn viên ở lại suốt thời gian đóng phim, nhưng một số người vướng bận công tác và có con nhỏ nên phải thường xuyên đi đi về về.
Mùa hè, nghệ sĩ Thanh Loan đưa hai con vào ở cùng, các thành viên khác trong đoàn cũng làm tương tự nên khu chung cư Đồn Đất (Cơ sở 2 của Hãng phim truyện Việt Nam) biến thành “vườn trẻ”. Họ vừa làm phim, vừa trông con.
Bà kể những năm ấy, cả ngày chỉ có 1 chuyến bay duy nhất nên khi về, bà thường đi nhờ máy bay quân sự do Anh hùng LLVT - phi công Nguyễn Văn Bảy lái. Vì cuộc sống Hà Nội thời bao cấp còn theo chế độ tem phiếu, nghèo khổ nên mỗi lần về, anh chị em trong đoàn phim thường tranh thủ xách về từ dưa cà, mắm muối, tóp mỡ…
Nghệ sĩ Thanh Loan ví von: “Trông tôi lúc ấy như một người đi buôn chứ không phải diễn viên”. Chính các nghệ sĩ miền Nam cũng bất ngờ trước cảnh sống cực khổ của các diễn viên miền Bắc.
Tuy vất vả nhưng thời gian đó, diễn viên không quan tâm tới hợp đồng vì được đóng phim đã là niềm hãnh diện. Mỗi tháng, nghệ sĩ Thanh Loan được bồi dưỡng tiền thanh sắc khoảng 48 đồng. Nhưng đến năm 1985, Nhà nước đổi tiền, số tiền nhận được bị giảm đáng kể.
Mọi khổ ải được bù đắp khi bộ phim công chiếu vào năm 1986 đã tạo nên cơn “sốt vé”. Khán giả xếp hàng dài mua vé tới nỗi theo lời nghệ sĩ Hai Nhất, đạo diễn Long Vân phải nhờ ông mua hộ vì ông là diễn viên được nhiều người biết. Ông được ưu ái mua 2 vé, nhưng con trai của Hai Nhất đi xếp hàng 3 ngày, mất cả dép vẫn không mua được vé nào.
Hơn 30 năm trôi qua, “Biệt động Sài Gòn” vẫn là bộ phim sống mãi trong lòng các thế hệ khán giả. “Đó là phần thưởng cao quý cho những người làm nghề như chúng tôi”, nghệ sĩ Thanh Loan bộc bạch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận