Mở điện thoại, chạm ứng dụng, chọn nhà hàng yêu thích để đặt hàng, thanh toán trực tuyến, 30 phút sau, món ăn bạn yêu thích được giao tới ngay trước cửa. Đây là thói quen phổ biến của không chỉ 80 triệu người tại Trung Quốc mà còn hàng tỉ người trên thế giới. Nhưng ít ai biết đến những khó khăn và áp lực mà những người giao hàng (shipper) phải đối mặt.
Áp lực, quá tải, rủi ro TNGT
Tại Trung Quốc, ngành giao nhận thực phẩm đang bùng nổ với tốc độ chóng mặt. Tổng giá trị các giao dịch qua mô hình này vượt mức 2 tỉ nhân dân tệ (tương đương 300 triệu USD)/ngày. Số lượng hãng cung cấp dịch vụ giao hàng cũng xuất hiện nhiều “như nấm sau mưa”.
Thống kê mới nhất, đến năm 2018, ngành công nghiệp này tạo công việc cho hơn 36,5 triệu người ở Trung Quốc.
Dữ liệu từ một trong những nhà cung cấp giao nhận thực phẩm lớn của Trung Quốc là Meituan Dianping chỉ ra, trong quý I/2020, số người làm shipper đạt 2,95 triệu, tăng cao so với 2,7 triệu của năm 2018. Trong số đó, có tới 1,38 triệu người là lái xe mới.
Ngành giao nhận thực phẩm không chỉ làm cho cuộc sống thường nhật thuận tiện hơn mà còn thổi sức sống mới vào nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng ngành công nghiệp mới nổi này tồn tại rất nhiều tranh cãi và lo ngại.
Một nghiên cứu vừa được Tạp chí An toàn Lao động Trung Quốc công bố cho thấy, 84% nhân viên giao nhận làm việc hơn 10 giờ/ngày. Trung bình, nhân viên giao nhận tại Bắc Kinh làm việc tới 11,4 giờ/ngày, phát sinh rất nhiều vấn đề về sức khoẻ vì hoạt động quá sức.
Câu chuyện của Zhang Pei, shipper 27 tuổi là điển hình. Zhang Pei đến từ vùng quê nghèo, học hết lớp 7, lên thành phố kiếm việc. Biết rõ những nguy hiểm phải đối mặt nhưng Zhang không còn lựa chọn nào khác. Anh làm 14 giờ/ ngày, 6 ngày/ tuần để kiếm trung bình 1,1 USD/ đơn.
Kéo ống quần lên, chàng trai trẻ để lộ 4 vết xước, một số vết bầm tím khác xung quanh mắt cá chân. Zhang cho biết, vì tính chất công việc liên tục phải di chuyển, tham gia giao thông bất kể thời gian, với tốc độ nhanh, việc xước xát, đổ máu là bình thường. “Vợ tôi nhiều lần cầu xin chồng làm công việc khác nhưng với trình độ học vấn như vậy, tìm ở đâu được công việc có thu nhập tương tự”, Zhang chia sẻ.
Không chỉ áp lực về công việc, cánh shipper còn gặp phải rất nhiều rủi ro về TNGT và nhiều nguy hiểm khác khi làm đêm và sáng sớm. Chuyện tài xế vội vàng, muốn tăng năng suất nên vượt đèn đỏ, đi ngược đường diễn ra như cơm bữa. Một số khác, nhất là các lái xe mới, vừa đi vừa sử dụng định vị để dò đường dẫn tới mất tập trung, gây TNGT.
Chỉ từ đầu năm đến giữa tháng 9, cảnh sát Thượng Hải đã xử lý hơn 43.000 trường hợp vi phạm giao thông do các tài xế giao nhận thực phẩm gây ra. Cũng theo cơ quan này, trung bình cứ 60 giờ thì có 1 shipper bị tai nạn nghiêm trọng. Tại Thâm Quyến, nhân viên giao hàng liên quan tới 12% trong tổng số vụ TNGT.
Bán mạng vì những ảo tưởng
Một trong những lý do khiến cánh shipper bán mạng làm việc là vì lương quá thấp so với những gì họ mường tượng. Các nền tảng giao nhận thực phẩm đã tạo ra một ảo tưởng rằng cánh shipper có thể kiếm được nhiều tiền hơn công nhân (thường là những người từ tỉnh lẻ, bỏ quê lên thành phố kiếm việc) mà lại không phải đổ quá nhiều mồ hôi nước mắt.
Công ty Meituan từng công bố rằng, hơn nửa tài xế của họ có thể kiếm 4.000 nhân dân tệ/tháng (tương đương 590 USD). Gần 60% trong tổng số shipper của ứng dụng này làm việc chưa đến 4 giờ/ ngày. Nhưng những con số trung bình trên chưa tính đến thu nhập của những tài xế tạm thời. Do đó, nó không phản ánh thực tế cuộc sống của những tài xế hợp tác, khiến rất nhiều người thất nghiệp ảo tưởng và hiểu nhầm bản chất sự vất vả của công việc.
Thu nhập của tài xế hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng đơn mà họ giao hàng ngày. Để đạt được con số đáng mơ ước, tài xế phải còng lưng chạy đơn mới kịp.
Ngoài ra, tại Trung Quốc, nhiều nền tảng giao hàng còn sử dụng các thuật toán và cơ sở dữ liệu để ép tài xế về thời gian giao hàng. Để đáp ứng yêu cầu của công ty cũng như mục tiêu thu nhập mà bản thân họ đặt ra, không ít shipper bất chấp tất cả mà vi phạm giao thông.
Nhiều trường hợp, tài xế đi theo những tuyến giao hàng mà ứng dụng đề xuất, thành ra đi lòng vòng. Một khi không đáp ứng được thời gian giao hàng hoặc nhận phản hồi xấu từ khách, ngay lập tức, họ sẽ bị phạt. Với chừng đó áp lực trên lưng, rất nhiều tài xế giao hàng không còn lựa chọn nào khác ngoài mạo hiểm mạng sống chạy đua với các thuật toán.
Trong bối cảnh nhiều thành phố trên thế giới áp đặt các biện pháp giới nghiêm phòng Covid-19, hàng triệu người phải tạm ngừng di chuyển để tránh lây nhiễm virus thì những người shipper giống như những kị binh thực thụ hỗ trợ hàng trăm nghìn gia đình mua sắm thực phẩm, hàng hoá và đồ ăn mà không cần phải ra ngoài. Cho biết bản thân rất cảm thông và chia sẻ với những shipper, nhà báo Trung Quốc Xu Hailin, người cũng thường xuyên sử dụng dịch vụ giao nhận hàng hoá cho rằng, những tài xế shipper cần được thấu hiểu, tôn trọng và hỗ trợ từ cả phía công ty giao nhận cho đến khách hàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận