Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân báo cáo công tác đấu tranh, xác định đối tượng gây sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung |
Tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo về ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung ảnh hưởng sự cố môi trường biển do Thủ tướng Chính phủ chủ trì (ngày 17/5), Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã báo cáo công tác đấu tranh, xác định đối tượng gây sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung và kết quả giám sát quá trình khắc phục hậu quả vi phạm của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
70 chuyên gia đầu ngành tham gia truy tìm thủ phạm
Theo đó, ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ TN&MT đã chỉ đạo các địa phương, trực tiếp tổ chức các đoàn khảo sát đánh giá chất lượng môi trường biển để khoanh vùng ảnh hưởng, xác định nguyên nhân cá chết; đồng thời chỉ đạo rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đối với các đơn vị hoạt động trong khu vực biển Vũng Áng.
Kết quả rà soát đã xác định nổi lên 3 cơ sở, Bộ TN&MT đã lập ngay đoàn kiểm tra liên ngành đối với 3 cơ sở này.
Đoàn kiểm tra chia làm 6 tổ, huy động sự tham gia của 70 chuyên gia đầu ngành từ các cơ quan khoa học trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực: môi trường, viễn thám, khí thượng thủy văn, hải dương học, sinh thái học, hóc học, luyện kim, các nhà quản lý thuộc các Bộ, ngành có liên quan.
Kết quả quan trắc, đánh giá môi trường biển đã khoanh vùng phạm vi môi trường biển bị ô nhiễm dẫn đến sự cố hải sản chết là từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Thừa Thiên- Huế, trong đó khu vực Vũng Áng là nơi đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định hải sản 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố Formosa đã đảm bảo an toàn, kể cả tầng đáy |
Đối với 3 cơ sở được kiểm tra, đoàn kiểm tra đã xác định vi phạm của các cơ sở, trong đó nổi lên các vi phạm hành chính của Formosa. Đặc biệt, đoàn kiểm tra đã phát hiện 6 dấu hiệu vi phạm liên quan đến quá trình xử lý nước thải, súc rửa đường ống của Formosa.
Dựa trên việc thu thập, phân tích dữ liệu, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, các Bộ ngành, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành xác định nguyên nhân chính gây ra hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. Đối chiếu sự tương đồng với kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành, Bộ TN&MT đã bước đầu khoanh vùng, xác định thủ phạm gây ra sự cố là Formosa Hà Tĩnh.
Cúi đầu thừa nhận vi phạm và cam kết sửa chữa
Theo Bộ TN&MT, thời gian đầu phía Formosa vẫn chưa thừa nhận trách nhiệm, trong khi việc đấu tranh với phía Formosa hết sức khó khăn, cần nhiều thời gian và sự tham gia, phối hợp của nhiều Bộ, ngành, địa phương liên quan.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đi kiểm tra tình hình ổn định đời sống nhân dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị tối 16/5 |
Ngoài ra, Bộ TN&MT, Bộ Ngoại giao đã thường xuyên trao đổi với Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam, cũng như Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc...
Đến ngày 29/6/2016, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Formosa Hà Tĩnh đã cúi đầu nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế và đưa ra 5 cam kết trách nhiệm bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, xử lý ô nhiễm môi trường…
Ngày 30/8/2016, Formosa Hà Tĩnh đã thực hiện cam kết, hoàn thành việc chuyển tiền bồi thường cho Việt Nam với tổng số tiền là 500 triệu USD (trên 11.500 tỷ đồng); đồng thời nghiêm túc triển khai các biện pháp khắc phục tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường.
Hải sản 4 tỉnh miền Trung bảo đảm an toàn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch hoạt động giám sát, đánh giá an toàn hải sản tại 4 tỉnh với thiết kế nghiên cứu cho 3 nhóm hải sản (giáp xác, nhuyễn thể và nhóm cá), tại 15 điểm giám sát (Hà Tĩnh 4 điểm, Quảng Bình 4 điểm, Quảng Trị 3 điểm, Thừa Thiên- Huế 4 điểm và 3 vùng xoáy tại biển Sơn Dương (Hà Tĩnh), Nhật Lệ (Quảng Bình) và tại biển Lăng Cô (Thừa Thiên- Huế). Bộ Y tế cũng đã tiến hành lấy mẫu hải sản tại 3 địa phương không chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường (Hải Phòng, Khánh Hòa và Bà Rịa- Vũng Tàu) làm nhóm đối chứng để so sánh, đánh giá với hải sản miền Trung. Từ tháng 9-12/2017, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các đơn vị tổ chức giám sát an toàn hải sản đã lấy, kiểm nghiệm được 483 mẫu hải sản tại 4 tỉnh nói trên. Kết quả giám sát cho thấy, đến tháng 12/2017, hải sản tầng đáy tại vùng biển từ 20km trở vào bờ ở cả 4 tỉnh đã bảo đảm an toàn. Từ tháng 1-3/2018, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các đơn vị tổ chức giám sát diện rộng với tất cả các loại hải sản tầng đáy từ 20km trở vào bờ tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường. Tổng số đã lấy, kiểm nghiệm 986 mẫu hải sản (Hà Tĩnh 200 mẫu, Quảng Bình 300 mẫu, Quảng Trị 220 mẫu, Thừa Thiên- Huế 176 mẫu). Kết quả phân tích cho thấy tỷ lệ tồn dư phenol trong các mẫu hải sản tầng đáy tại 4 tỉnh miền Trung đã tương đương với nhóm đối chứng. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận