Tàu chở dầu Hankuk Chemi của Hàn Quốc
Thông tin trái chiều
Tối 5/1, theo giờ VN, hãng tin AP dẫn lời một lãnh đạo đến từ công ty TNHH DM Shipping, trụ sở tại Busan, Hàn Quốc, chủ tàu chở dầu Hankuk Chemi đang bị Iran bắt giữ cho biết, lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã ập lên tàu, ép thuỷ thủ điều khiên tàu chuyển hướng và đi về phía Iran.
Cụ thể, theo vị quan chức giấu tên, tàu Hankuk Chemi đang di chuyển trên lộ trình từ Jubail, Saudi Arabia tới Fujairah, Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất thì bị lực lượng Iran tiếp cận và thông báo sẽ lên tàu.
Ban đầu, lực lượng này thông báo muốn kiểm tra tàu đột xuất nhưng trong khi thuyền trưởng tàu gọi điện báo bộ phận an ninh của công ty tại Hàn Quốc, các lực lượng vũ trang của Iran bất ngờ từ trực thăng, ập xuống tàu.
Họ yêu cầu thuyền trưởng phải đưa tàu về vùng biển Iran để điều tra và từ chối giải thích cụ thể nguyên nhân.
Sau đó, công ty DM Shipping hoàn toàn mất liên lạc với thuyền trưởng. Camera an ninh lắp đặt trên tàu cũng bị tắt. Chỉ vài phút sau, DM Shipping nhận được cảnh báo an ninh chống cướp biển. Có lẽ thuyền trưởng đã kích hoạt hệ thống cảnh báo trên tàu để kêu gọi cứu trợ từ bên ngoài.
Những chi tiết trên khác hoàn toàn với thông báo bắt giữ mà từ lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đưa ra trước đó, cho biết nguyên nhân chính khiến tàu Chemi bị bắt là gây ô nhiễm vùng biển thuộc vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz.
Tình hình các thuyền viên
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc công bố kế hoạch sẽ điều một phái đoàn tới Iran để đàm phán, đảm bảo Iran sớm thả tàu và thuyền viên.
20 thuyền viên trên tàu mang nhiều quốc tịch khác nhau, đáng chú ý có 2 người Việt Nam, 5 người Hàn Quốc, 2 người Indonesia và 11 người Myanmar.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã điều đơn vị chống cướp biển áp sát Eo biển Hormuz trong đó có tàu khu trục 4.400 tấn với 300 lính.
Đồng thời, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc lập tức công bố phản ứng, đánh giá sự việc này vô cùng nghiêm trọng.
Về an toàn của các thuyền viên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Young-sam cho biết, phía Iran khẳng định, đến thời điểm này, tất cả thuyền viên đều an toàn. Cũng theo ông, một nhà ngoại giao Hàn Quốc tại Iran đã được đưa tới nơi tàu bị tạm giữ.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ theo sau Hàn Quốc, kêu gọi Iran lập tức thả tàu chở dầu, cáo buộc Tehran đe doạ “quyền và tự do hàng hải” trên vịnh Ba Tư, ép cộng đồng quốc tế nới lỏng áp lực trừng phạt.
Bối cảnh phức tạp
Vụ việc lần này xảy ra trong bối cảnh nước cộng hoà Hồi giáo đang tìm cách gia tăng áp lực lên Seoul trước các cuộc đàm phán gỡ lệnh phong toả khối tài sản Iran trị giá hàng tỉ USD trong các ngân hàng của Hàn Quốc liên quan tới căng thẳng Mỹ-Iran.
Trước đó, khi được hỏi về vụ bắt giữ tàu Hàn Quốc, người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rabiei cũng liên kết sự việc này với việc chính phủ Seoul phong toả 7 tỉ USD tài sản của Tehran. “Nếu ai đó đáng bị gọi là kẻ bắt cóc con tin thì hẳn phải là chính phủ Hàn Quốc. Seoul đã phong toả hơn 7 tỉ USD của chúng tôi dưới cái cớ rất vô lý”.
Ngoài ra, căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang bị đẩy lên cao vì gần thời điểm 1 năm ngày Mỹ không kích, sát hại một Chỉ huy quân đội cấp cao Iran. Mới đây, Tehran còn công khai tuyên bố sẽ làm giàu uranium 20% và chỉ cách mục tiêu sản xuất vũ khí hạt nhân 1 bước nữa.
Năm ngoái, Iran cũng thực hiện một vụ bắt giữ tương tự với tàu chở dầu mang cờ Anh, tạm giữ trong hàng tháng sau khi một trong những tàu chở dầu của nước này bị bắt tại Gibraltar - lãnh thổ hải ngoại thuộc Vương quốc Anh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận