Nhiều hiệu quả tích cực
6h30' ngày 12/11, bốn nhân viên bước vào phòng điều hành Trung tâm quản lý, điều hành giao thông đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhận ca trực. Đây được xem là "trái tim" của toàn bộ tuyến đường cao tốc vì toàn bộ hình ảnh trên đường suốt 24/24 giờ sẽ được truyền về trung tâm này xử lý.
9h00, qua màn hình máy tính, nhân viên Đặng Anh Tuấn phát hiện một xe khách 7 chỗ ngồi màu trắng đang chạy hướng Hà Nội - Hải Phòng dừng ở giữa làn đường khẩn cấp và làn 100km/h khu vực Km 85+300.
Nghi ngờ xe bị chết máy, anh điều khiển camera ở gần đó zoom lại gần để quan sát. Xác định xe bị chết máy, anh gọi điện thông báo cho lực lượng tuần tra đường cao tốc, CSGT và xe cứu hộ biết để xử lý.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là dự án đầu tiên trong cả nước sở hữu ITS hiện đại, được Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (VIDIFI) đầu tư hoàn thành ITS đồng bộ cùng phần tuyến và đưa vào hoạt động đồng bộ ngay khi tuyến cao tốc bắt đầu được vận hành khai thác.
ITS tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được tích hợp cả phần đường và hầm, với các cụm thiết bị ITS vận hành bằng năng lượng tái tạo sử dụng công nghệ pin điện mặt trời và tua bin gió, được giám sát từ xa để xử lý sự cố thiết bị kịp thời qua hệ thống truyền dẫn nội bộ.
Cũng bởi có sự tích hợp đồng bộ ITS trên toàn tuyến, tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dữ liệu hệ thống thu phí tự động không dừng - ETC tại các trạm thu phí được kết nối đồng bộ về Trung tâm Giám sát thu phí, đảm bảo công tác thu phí đầy đủ và minh bạch hơn.
Theo đại diện VIDIFI, ITS tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đem lại hiệu quả vượt trội trong quản lý và điều hành giao thông. Các công nghệ giúp nâng cao khả năng quản lý và vận hành hệ thống giao thông.
VIDIFI đã là đơn vị có kinh nghiệm đầu tư, quản lý vận hành hệ thống ITS trong gần 10 năm. Với việc đầu tư đồng bộ hệ thống ITS ngay từ ban đầu hơn 1 thập kỷ trước, hiện VIDIFI đang lưu trữ và quản lý đồng bộ một hệ thống dữ liệu thông qua thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu giao thông. Như vậy, VIDIFI là đơn vị có năng lực đặc biệt về ITS khi đã có kinh nghiệm gần 10 năm nay. Doanh nghiệp này đã củng cố được một lực lượng nhân sự có trình độ chuyên môn tốt và dày dạn kinh nghiệm vận hành ITS trên thực tế.
VIDIFI cho biết, hệ thống giao thông thông minh với thiết kế có hơn 300 camera bao gồm 58 bộ camera lắp đặt dọc tuyến có khả năng quay quét có tầm nhìn hơn 1km, 12 vị trí lắp đặt phân tích tốc độ xe, lưu lượng xe hoạt động tự động.
Tại Trung tâm điều hành khai thác cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ cần 4 đến 5 cán bộ để kiểm soát 58 camera giám sát giao thông trên toàn tuyến. Những sự cố, hay tai nạn xảy ra đều được phát hiện để phân luồng kịp thời. Thông tin về tình hình giao thông trên tuyến sẽ được cán bộ cập nhật, đưa lên màn hình để lái xe sớm nhận biết, lựa chọn lộ trình phù hợp.
"Là đơn vị tiên phong trong công nghệ ITS, VIDIFI có đầy đủ các thế mạnh về nguồn nhân lực, kinh nghiệm thi công và Quản lý vận hành, cũng như môi trường thực tế trong triển khai các dự án ITS", ông Thành nói.
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Cục trưởng Cục Đường cao tốc VN cho biết, hệ thống ITS trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vẫn là hệ thống hiện đại, được vận hành chuyên nghiệp. Việc triển khai ITS tại các dự án hạ tầng giao thông không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống giao thông của Việt Nam.
Cấp thiết nâng cấp hệ thống
Tại Việt Nam, một số tuyến cao tốc đã được quản lý, vận hành bằng hệ thống UTS, phát huy hiệu quả trong quá trình quản lý, vận hành khai thác và bảo trì, nâng cao năng lực thông hành và đảm bảo an toàn giao thông.
Năm 2010, tuyến cao tốc đầu tiên khu vực phía Nam là cao tốc TP.HCM - Trung Lương đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 5 năm đã xuất hiện nhiều hư hỏng như đứt cáp, nguồn điện không ổn định, lỗi camera. Đến năm 2020, hệ thống mới bắt đầu được sửa chữa nhưng cũng phải thuê chuyên gia nước ngoài, rất phức tạp và chi phí lớn.
Theo đại diện chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ngay từ khi lập dự án, đơn vị đã thuê tư vấn thiết kế triển khai, ứng dụng hệ thống ITS gồm nhiều thành phần như quản lý giao thông, hệ thống camera quan sát, camera dò đếm xe, biển báo thông tin thay đổi, giám sát tải trọng xe, thu phí, liên lạc nội bộ.
Trên thực tế, hệ thống này tuy đem lại hiệu quả bước đầu khá tích cực, nhiều tình huống chưa hoàn toàn tự động và thông minh đúng nghĩa. Trong trường hợp xảy ra sự cố, nhân sự phải nhập dữ liệu thủ công để thông báo trên màn hình VMS cảnh báo các chủ phương tiện lưu thông trên tuyến, nên có độ trễ nhất định, không bảo đảm tính tức thời, giảm hiệu quả thông báo.
Qua gần 10 năm vận hành, với đặc điểm là thiết bộ điện tử hoạt động trong môi trường thời tiết biến đổi liên tục, hệ thống ITS đã bắt đầu xuống cấp. Nhu cầu đầu tư trang thiết bị chuyên dụng hiện đại, chuyển giao công nghệ - kỹ thuật, tối ưu các giải pháp và cập nhật công nghệ tiên tiến, khắc phục những hạn chế, nâng cấp tính năng của hệ thống ITS trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang là vấn đề cấp thiết.
Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam - một trong những đơn vị đang cung cấp giải pháp công nghệ giao thông thông minh cho hay, hệ thống ITS nhiều tuyến cao tốc đã xuống cấp nên cần có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo hiệu quả công tác quản lý, vận hàng tuyến.
Ðây là đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Mặt đường rộng từ 32,5 đến 35 m với 6 làn xe chạy. Tốc độ xe chạy tối đa là 120km/h và tốc độ tối thiểu là 60km/h.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận