Do thủ tục rườm rà nên đến nay chưa có trường hợp nào đặt tiền để được bảo lãnh xe vi phạm (Ảnh minh họa)
Gần 8 tháng từ khi triển khai Nghị định 31/2020 về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, các tài xế vẫn lắc đầu với việc đặt tiền bảo lãnh để mang xe về nhà tự giữ. Những bất cập trong quá trình triển khai khiến quy định này khó đi vào cuộc sống.
Xe bị giữ 7 ngày, làm thủ tục bảo lãnh mất 3 ngày
Đầu tháng 1, anh Nguyễn Văn Hùng (ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) điều khiển chiếc Mercedes S500 vi phạm nồng độ cồn, bị lập biên bản xử phạt, tước GPLX và tạm giữ phương tiện.
Chủ xe đề nghị anh Hùng hỏi thủ tục, quy trình bảo lãnh để đưa xe về nhà tự cất giữ.
Do anh Hùng chỉ là tài xế lái thuê, nên chủ xe phải là người đứng đơn bảo lãnh xe, phải xác nhận của địa phương về nơi tạm giữ phương tiện được bảo lãnh. Sau đó, phải chờ người có thẩm quyền xem xét, quyết định đồng ý cho bảo lãnh phương tiện hay không, thời gian xem xét quyết định khoảng 2-3 ngày.
“Thủ tục vẫn khá phiền hà, quan trọng hơn, xe bị tạm giữ 7 ngày thì làm thủ tục hết 2-3 ngày, tức đằng nào xe cũng bị đưa về bãi tạm giữ 2-3 ngày, thôi để xe nốt ở đó 4-5 ngày nữa cho xong”, anh Hùng cho hay.
Tương tự, chị Hà Thu Lan ở Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, sau khi tìm hiểu thủ tục bảo lãnh phương tiện, chị bỏ ý định bảo lãnh xe. Dù so với quy định trước đây, thì Nghị định 31/2020 có thuận tiện hơn, nhưng không đáng kể.
“Tưởng được bảo lãnh xe ngay tại thời điểm, tại nơi vi phạm, ai dè xe vẫn bị cẩu về nơi tạm giữ, người vi phạm phải vòng về địa phương xin xác nhận, rồi quay lại trụ sở CSGT nộp tiền bảo lãnh lấy xe ra. Thủ tục vòng vèo mất 2-3 ngày, rồi hết 7 ngày tạm giữ lại phải quay lại làm thủ tục lấy xe ra, lấy tiền bảo lãnh thừa (nếu có). Thế thì để luôn xe ở bãi tạm giữ thêm vài ngày nữa cho xong, khỏi phải bảo lãnh”, chị Thu nói.
Sẽ nghiên cứu, đề xuất giải pháp
Xác nhận thực trạng chưa có chủ phương tiện nào làm thủ tục bảo lãnh sau vi phạm giao thông, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến, Tổ trưởng Tổ Xử lý vi phạm giao thông, Đội CSGT đường bộ số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho hay, người vi phạm không được nhận lại phương tiện ngay tại thời điểm vi phạm mà phải làm đơn đề nghị, bảo đảm các thông tin, giấy tờ theo quy định sau đó chờ người có thẩm quyền quyết.
Toàn bộ quá trình mất từ 2 - 3 ngày, trong khoảng thời gian đó, CSGT vẫn phải đưa phương tiện vi phạm về tạm giữ. “Có các lý do để giữ phương tiện vi phạm giao thông ít nhất 2-3 ngày, kể cả khi chủ xe muốn bảo lãnh. Bởi cần ngăn chặn hành vi vi phạm và cần xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt”, Thiếu tá Tiến lý giải.
Theo Thiếu tá Tiến, trước đây thời hạn tạm giữ xe vi phạm là 15 -30 ngày thì sẽ có nhiều chủ xe có nhu cầu bảo lãnh xe. Tuy nhiên, hiện thời gian tạm giữ xe (nếu không có các yếu tố phức tạp, điều tra hình sự) chỉ là 7 ngày nên người dân không mặn mà.
Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 4 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) thẳng thắn nhìn nhận, khá nhiều người vi phạm quan tâm đến việc bảo lãnh phương tiện. Tuy nhiên, do thủ tục còn rườm rà, nên người vi phạm khi hỏi thông tin xong đều không muốn bảo lãnh xe nữa.
Nhìn nhận về việc bảo lãnh phương tiện, một lãnh đạo Cục CSGT cho biết, dù quy định của Nghị định 31/2020 đã cụ thể, thuận tiện hơn trước đây rất nhiều, nhưng thực tế còn một số điểm vẫn chưa phù hợp.
Như mức tiền đặt bảo lãnh phương tiện ít nhất phải bằng mức tiền phạt tối đa, nên trong trường hợp người vi phạm có điều kiện kinh tế khó khăn, mức phạt cao, giá trị xe lại thấp thì sẽ không có nhu cầu bảo lãnh.
Ngoài ra, trong khi thời hạn tạm giữ phương tiện là 7 ngày thì thời gian giải quyết thủ tục bảo lãnh đã chiếm đến 2-3 ngày. “Đơn vị đơn vị sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan để nghiên cứu, đề xuất giải pháp cho vấn đề này”, vị lãnh đạo cho hay.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), quy định mới về đặt tiền bảo lãnh xe là rất phù hợp trong bối cảnh các bãi trông giữ xe vi phạm đều quá tải, điều kiện không đảm bảo như hiện nay.
Nhưng để việc bảo lãnh phương tiện được người dân đón nhận, thì phải đơn giản hoá thủ tục hành chính, tuyên truyền vận động, làm sao để quy trình bảo lãnh có thể thực hiện trong ngày.
Theo Nghị định 31/2020, người vi phạm muốn bảo lãnh xe cần làm đơn đề nghị, xuất trình giấy tờ để đối chiếu như sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, CMND, thẻ căn cước công dân, giấy xác nhận về nơi công tác hoặc cung cấp số định danh. Mức tiền đặt bảo lãnh xe ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho hành vi vi phạm. Số tiền bảo lãnh này sẽ được trả lại cho người vi phạm sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người vi phạm không đến làm thủ tục nộp phạt, lấy tiền bảo lãnh về thì tiền bảo lãnh sẽ bị khấu trừ. Xe bảo lãnh về không được phép tham gia giao thông, không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận