Bộ Công thương vừa ban hành quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của Công ty TNHH kinh doanh xăng dầu Trực Ninh (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định).
Cũng trong tháng này, Bộ Công thương cũng đã ban hành 4 quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu đối với các doanh nghiệp: CTCP Thương mại và Dịch vụ vận tải Ngọc Khánh (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam); Công ty TNHH Thương mại và Cung ứng Petrolink (quận Ba Đình, TP Hà Nội); Công ty TNHH thương mại và vận tải xăng dầu Minh Phát (quận Bình Thạnh, TP.HCM) và Công ty TNHH Đức Hạnh (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng).
Điều đáng nói, quyết định thu hồi này được thực hiện trên nguyện vọng xin hoàn trả lại giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu.
Tại một hội thảo mới đây, góp ý cho dự thảo sửa đổi nghị định xăng dầu, ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc CTCP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) khẳng định, chưa bao giờ doanh nghiệp khó khăn như hiện nay do các quy định bất cập trong kinh doanh xăng dầu. Hai năm qua, các doanh nghiệp xăng dầu như đang nằm trên giường bệnh.
Giám đốc một công ty về bán lẻ xăng dầu cho biết, một cây xăng mỗi ngày bán được 1.000 lít, do chiết khấu quá thấp nên mới lãi được 400.000 đồng. Với mức lãi này, vị lãnh đạo cho biết, còn thua thu nhập của một người lao động phổ thông, trong khi cây xăng phải đầu tư tiền tỷ.
Thực tế, kinh doanh thua lỗ đã khiến nhiều cây xăng phải đóng cửa. Thống kê của Tổng cục thuế cho thấy, đến hết tháng 3, cả nước chỉ còn lại 15.935 cây xăng, từ ngưỡng 17.000 cây xăng từ cuối năm ngoái.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận