Những hệ lụy đau lòng
Những ngày qua, nhiều người vẫn còn bàng hoàng trước vụ việc đau lòng khiến 2 trẻ tử vong và 2 trẻ khác bị thương nặng tại Đắc Lắk do học theo video hướng dẫn tự chế tạo pháo.
Cụ thể, cháu B.G.T (11 tuổi, học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana), sau khi lên mạng Facebook đặt mua 200.000 đồng thuốc nổ, rủ thêm 2 bạn khác cùng trường và 3 em nhỏ đến một ngôi nhà vắng chủ trên địa bàn để cùng nhau làm pháo.
Nhiều clip dạy tự chế pháo nổ và nguyên liệu làm pháo bán trá hình phân bón cây
Trong lúc trộn thuốc để làm pháo, do có một ít thuốc bị đổ ra bên ngoài nên một trong số các cháu đã dùng bật lửa để đốt, làm bốc cháy lan đến khu vực trộn thuốc nổ, gây ra tiếng nổ lớn. Vụ nổ khiến cháu B.G.T tử vong tại chỗ, 1 cháu tử vong sau đó ít giờ, còn 2 trẻ đa chấn thươngvẫn đang điều trị tại bệnh viện.
Cũng liên quan đến tai nạn pháo nổ tự chế, cách đây ít ngày, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng điều trị cho 2 cậu bé nhập viện chấn thương nặng. Đó là một nam thiếu niên 16 tuổi, được chuyển lên từ Bắc Giang với bàn tay trái bị dập nát hoàn toàn. Tai nạn xảy ra khi thiếu niên này lên mạng đặt mua pháo rồi lấy thuốc ra để chế thành các loại pháo có kích cỡ to hơn và nhiều thuốc nổ hơn. Trong lúc đốt pháo, bệnh nhân tưởng pháo xịt nên đã cầm lên, bất ngờ pháo nổ gây nát bàn tay trái.
Tương tự là một thiếu niên 15 tuổi, ở Nam Định, cũng bị nát 1 bàn tay, vết thương chảy máu phức tạp, lộ gân cơ. Bệnh nhân được các bác sĩ xử lý vết thương, các bác sĩ còn chỉnh trục các ngón, găm đinh cố định...
Cũng theo các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tại đây cũng tiếp nhận nhiều ca chấn thương do pháo nổ, chủ yếu là các bạn trẻ và tai nạn xảy ra khi đang chế pháo. Cụ thể, trong tháng 12 vừa qua, tại khoa điều trị cho một thanh niên 19 tuổi ở Hải Dương trong tình trạng đa chấn thương rất nặng do pháo tự chế phát nổ. Ngoài dập nát tay buộc phải cắt bỏ nhiều ngón, bệnh nhân này còn chấn thương nặng vùng mặt, phải múc bỏ 1 bên nhãn cầu.
Nhan nhản nguyên liệu thuốc pháo trá hình
Mang website rao bán thuốc tự chế pháo
BS. Nguyễn Điện Thanh Hiệp, Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật, Viện Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trong pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh…
Đa số người chế tạo pháo do tiếp xúc gần, nên khi phát nổ dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay, cổ, ngực. Vết bỏng nặng sẽ gây nhiễm độc và để lại nhiều di chứng thẩm mỹ như sẹo xấu, sẹo co kéo, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương.
Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Ngoài ra, nạn nhân khi bị bỏng vùng mặt, cổ dễ để lại di chứng thẩm mỹ về sau, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân. Bỏng ở hai tay và bàn tay sẽ bị sẹo co kéo.
Hệ lụy khôn lường là vậy, song hiện các video dạy cách chế pháo, thuốc nổ tại nhà rất phổ biến trên mạng. Hầu hết các video đều hướng dẫn làm thuốc nổ từ 3 nguyên liệu: KClO3 (Kali Clorat), lưu huỳnh và bột than.
Các loại chất này có thể dễ dàng tìm mua riêng lẻ tại các cửa hàng hoặc trên mạng với giá thành từ vài chục nghìn đồng trở lên. Trên một số trang, bộ 3 nguyên liệu chế pháo tại nhà này được bán theo combo, nhưng được “ẩn danh” dưới dạng phân bón. Các loại dây cháy chậm, vỏ pháo... cũng không khó để tìm mua trên mạng.
Điều đáng nói, các video, clip được chia sẻ một cách công khai, không gắn nhãn giới hạn độ tuổi xem cũng như cảnh báo nguy hiểm, thu hút hàng triệu lượt xem, và tương tác rất sôi nổi.
Theo các chuyên gia, pháo nổ là sản phẩm chứa thuốc pháo được chế tạo bằng các công nghệ khác nhau, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây nên tiếng nổ. Cách chế tạo pháo khá đơn giản nhưng lại tiềm ẩn hiểm họa khôn lường.
Trước những hệ lụy đáng tiếc từ pháo tự chế, PGS. TS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khuyến cáo người dân, đặc biệt là các bạn trẻ, học sinh cần chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ; không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và xã hội.
Đồng thời, các lực lượng chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về những nguy hại của pháo nổ, thuốc nổ; chủ động ngăn chặn kịp thời những hành động nguy hiểm ở trẻ do thiếu hiểu biết về pháo tự chế.
Đặc biệt, ở mỗi gia đình cần chủ động ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc qua việc giám sát và ngăn ngừa việc xem các clip dạy cách làm pháo nổ tự chế trên mạng của các em...
Theo PGS. TS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tai nạn do pháo nổ thường là những chấn thương nặng và rất nặng. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp tử vong hoặc phải chịu thương tật suốt đời do pháo nổ tự chế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận