Xe ba gác vô tư chở hàng cồng kềnh trên đường Mai Hắc Đế |
Ra đường sợ xe ba gác
Chiều 4/3, trên đường Nguyễn Tất Thành, chiếc xe ba gác cũ kĩ do một người đàn ông điều khiển chở theo những cuộn tôn dài ngoằng, phía sau được một người đàn ông đi xe máy BKS 47B1-003.16 đạp tiếp sức, vô tư luồn lách giữa dòng người đông đúc. Tiếp đó, trên đường Mai Hắc Đế, một người phụ nữ chạy xe ba gác chở đầy những bó sắt nhọn, phía sau được một người đàn ông cụt tay, đi xe máy BKS 47M5-0085 đẩy hỗ trợ.
Thấy xe ba gác chở cồng kềnh phóng vun vút, chị Lê Thị Hạnh (ngụ TP Buôn Ma Thuột) tấp vội vào lề, lắc đầu ngán ngẩm: “Xe gì như cái “máy chém” lại được đẩy chạy vù vù trên phố, ai nấy đều sợ”.
Ghi nhận trên nhiều tuyến đường khác như: Đường Hồ Chí Minh (QL14 cũ), QL 26, 27,… ngoài xe ba gác còn xuất hiện xe công nông, xe lôi chở sắt, thép, tôn cồng kềnh, phóng nhanh vượt ẩu rất nguy hiểm.
“Chi phí khi vận chuyển bằng xe ba gác, xe tự chế rẻ hơn nhiều so với việc thuê taxi, xe tải chở hàng; loại xe này lại dễ luồn lách trong đường hẻm nên được các chủ hàng ưa chuộng. Vì miếng cơm manh áo, các tài xế xe ba gác, xe tự chế bất chấp pháp luật chở hàng cồng kềnh, không che chắn mà không nghĩ đến hậu quả”, chị Hạnh nói.
Khó xử lý
Ông Bùi Văn Ngọc, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ cuối năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT tỉnh đã có văn bản đề nghị UBND TP Buôn Ma Thuột, UBND các huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường TTKS, xử lý xe công nông, xe ba bánh, xe thô sơ chở hàng cồng kềnh theo quy định.
"Trên địa bàn vẫn còn những xe ba gác chở hàng cồng kềnh, đe dọa tính mạng người đi đường. Sắp tới, Ban ATGT tỉnh sẽ tham mưu và có văn bản siết chặt việc quản lý đối với các loại xe này. Đồng thời, vận động tuyên truyền cho các chủ hàng, người chạy xe ba gác, xe lôi, xe độ chế không sử dụng và thuê xe này chở hàng gây mất ATGT trên các tuyến phố”. Ông Bùi Văn Ngọc |
Tuy nhiên, Trung tá Huỳnh Thanh Bình, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc xử lý xe ba gác, xe lôi vi phạm Luật GTĐB khá khó khăn. Các chủ phương tiện thấy lực lượng chức năng thường nghỉ hoặc tìm cách tránh mặt. Ngoài ra, hiện nay công tác quản lý và xử lý loại phương tiện này gặp nhiều khó khăn do người điều khiển phương tiện đa phần là dân lao động nghèo, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trong quá trình phát hiện, xử lý xe ba gác, lực lượng chức năng chủ yếu nhắc nhở, đồng thời tuyên truyền, giải thích những nguy hiểm của việc chở hàng hóa cồng kềnh. “Đối với xe công nông, Phòng CSGT sẽ tham mưu cho cấp trên, sẽ cho đăng kí lại phương tiện này và mở các lớp học bằng lái để dễ dàng quản lý”, Trung tá Bình nói.
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk, từ tháng 11/2016 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 399 trường hợp xe máy kéo, xe lôi, xe thô sơ vi phạm Luật GTĐB, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 683 triệu đồng. Trong đó, có 8 trường hợp xe lôi 3 bánh chở hàng cồng kềnh, sử dụng giấy đăng ký giả.
“Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp CSGT phát hiện và xử lý trong các đợt TTKS, còn thực tế số xe vi phạm cao rất nhiều. Ngoài ra, các phương tiện này rất ít đăng ký, đăng kiểm nên gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý phương tiện”, Trung tá Bình cho hay.
Những hình ảnh PV ghi nhận được trên một số tuyến đường tại Đắk Lắk:
Tại TP. Buôn Ma Thuột, những chiếc xe ba gác chở tôn, sắc cồng kềnh, dài ngoằng chĩa thẳng vào người đi đường. |
Xe máy cũng tham gia chở hàng... |
Cả hai cùng vác lên vai những thanh sắt dài siêu trường... |
Tăng bo, đồng phối hợp để... giảm tải |
Chiếc xe ba gác chở hàng cồng kềnh này cứ lao vun vút giữa dòng người trên đường Lê Thánh Tông. |
Tại các tuyến Quốc lộ, tình trạng xe công nông chở tôn dài ngoằng, y như một "máy chém diễu hành" trên đường, gây nguy cơ mất ATGT cao |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận