Trong những năm gần đây, các vùng nông thôn ở Đồng Nai có tốc độ phát triển phát triển rất nhanh, giá đất tăng cao “tấc đất, tấc vàng. Thế nhưng khi có chủ trương mở rộng đường, đông đảo người dân huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), cả người Kinh lẫn người đồng bào dân tộc thiểu số, không phân biệt tôn giáo đã vui vẻ tự nguyện hiến đất cho Nhà nước mở rộng đường.
Chặt cây trồng, dỡ tường rào hiến đất mở đường
Người dân xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) tự nguyện dời hàng rào hiến đất mở rộng đường Phước Bình. Ảnh: Hải Đình
Tuyến đường Phước Bình, ấp Thọ Phước, xã Xuân Thọ có chiều dài gần 2km. Đây là tuyến đường xã hội hóa do Nhà nước và nhân dân cùng làm. Sau khi đưa vào sử dụng, tuyến đường này đã giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con nhân dân được thuận tiện, đời sống kinh tế của người dân cũng từng bước được nâng lên.
Ông Phạm Quốc Hưng, người dân ấp Thọ Phước cho hay, kinh tế phát triển, rất nhiều gia đình mua được ô tô tải, ô tô du lịch để làm phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa. Do vậy các tuyến đường giao thông làm trước kia đã trở nên chật hẹp.
Ông Đoàn Vinh, người dân xã Xuân Thọ cho biết: khi làm tuyến đường này gia đình ông đã hiến tặng sâu vào đất nhà là 1,5 m. Đến nay khi có kế hoạch mở rộng, gia đình lại dỡ bỏ hàng rào và lùi thêm vào 3m để cho đường rộng rãi hơn. "Qua hai lần mở rộng đường, gia đình tôi hiến tặng khoảng 300/1.000 m2 đất", ông nói.
Tương tự, tuyến đường nông thôn vào làng dân tộc Chơ Ro (thuộc ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú) dài hơn 1,3km với 158 hộ dân bị ảnh hưởng. Nhờ sự ủng hộ và hầu hết người ven đường đều đồng thuận hiến đất làm đường, nay tuyến đường này đã được mở rộng gần gấp đôi so với trước.
Tuyến đường Phước Bình hai xe tải có thể tránh nhau sau khi được mở rộng nhờ người dân hiến đất. Ảnh: Hải Đình
Bà Thị Cựt, người dân tộc Chơ Ro ngụ ấp Bình Hòa (xã Xuân Phú) cũng cho hay, đầu năm vừa rồi gia đình bà đã xây dựng tường rào tồn gần 50 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương xuống họp dân để vận động việc mở rộng tuyến đường vào làng thì gia đình bà ủng hộ ngay. "Gia đình tôi không chỉ hiến đất mà còn tháo dỡ tường rào để nhà nước thi công. Tết rồi đường rộng rãi, ô tô đi lại thoải mái, bà con rất vui", bà Cựt khoe.
Ông Đỗ Thanh Liêm, trưởng ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú cho hay, sau khi tuyến đường này hoàn thành ai nấy đều thấy rõ việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân trong ấp với các xã khác cũng được thuận tiện rất nhiều.
Nhân rộng mô hình người dân góp sức làm đường
Theo ông Lê Đức Nghĩa, Giám đốc Ban QLDA huyện Xuân Lộc cho biết, qua khảo sát, hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn đầu tư trước đây đều không còn phù hợp. Việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường là nhu cầu rất cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của địa phương.
Bước đầu, Xuân Lộc đã làm điểm được 4 tuyến với tổng chiều dài khoảng 6km. Người dân đã tự nguyện hiến tặng đất, tháo dỡ công trình kiến trúc với tổng số tiền khoảng 23 tỷ đồng. Sắp tới, phong trào mở rộng đường sẽ được nhân rộng cho các tuyến đường khác trên địa bàn.
Sau khi mở rộng đường, người dân trồng hoa ven đường rực rỡ sắc màu.
Cũng theo ông Nghĩa, các tuyến đường nông thôn của Xuân Lộc chỉ rộng từ 3-3,5 m. Khi kinh tế xã hội phát triển, số lượng phương tiên ngày càng tăng, lưu lượng xe cộ qua lại ngày đông đúc. Mặt khác theo tiêu chuẩn về đường giao thông của Bộ GTVT quy định thì mặt đường phải được mở rộng 5m. Do vậy huyện cũng đang phát động phong trào mở rộng mặt đường ra từ 5-5,5m hoặc rộng hơn. Bước đầu triển khai đã được đông đảo bà con đồng tình hưởng ứng.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2010 đến nay, Xuân Lộc đã thực hiện được khoảng 677 km đường giao thông nông thôn với tổng nguồn vốn huy động trên 1.416 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân trên địa bàn đã tích cực hiến tặng đất, đồng thời góp thêm nhiều kinh phí để cùng nhà nước triển khai.
Theo thống kê, đến nay, 100% tuyến đường cấp huyện và cấp xã quản lý đều đã được nhựa hóa, bê tông hóa, mạng lưới giao thông đã phát triển rộng khắp, kết nối các địa bàn, với các vùng sản xuất. Khi đường làm xong đến đâu thì bà con lại cùng nhau trồng hoa, lắp đặt đèn chiếu sáng tới đó, tạo cho cảnh quan nông thôn ngày thêm khang trang sạch đẹp, nhiều tuyến đường cũng được người dân lắp đặt camera an ninh.
Ông Viên Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc cho biết: Trong thời gian qua, các phong trào thi đua tại huyện được diễn ra rất sôi nổi. Khi người dân có sự đồng thuận, cho thấy đã phát huy hiệu quả trong phong trào làm đường giao thông. Bà con nhân dân đã tích cực hiến đất, hiến nhiều cây trồng, vật kiến trúc và tiền của để cùng với Nhà nước làm đường, điều này đã góp phần tích cực giúp Xuân Lộc sớm đạt được nhiều thắng lợi trong hành trình xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận