Hỏi - Đáp

Hình phạt nào cho kẻ đốt pháo sáng làm bé trai bị thương ở Hà Nội?

08/08/2023, 14:10

Theo luật sư, người bị kết án gây rối trật tự công cộng có thể bị phạt tiền tối đa 50 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 7 năm.

Ngày 8/8, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) tạm giữ hình sự ba nghi phạm để điều tra về hành vi đốt pháo sáng trong trận thi đấu bóng đá giữa CLB Hà Nội và CLB Hải Phòng trên sân vận động Hàng Đẫy tối 2/8. Hậu quả, làm một bé trai sinh năm 2017 bị thương.

Các đối tượng đều quê ở TP Hải Phòng, gồm: Nguyễn Trung Hiếu (20 tuổi), Lê Văn Tùng (34 tuổi) và Đỗ Minh Sáng (21 tuổi). Họ cùng bị điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Theo cơ quan chức năng, tối 2/8, khi CLB Hải Phòng có bàn thắng, Hiếu ngồi tại khán đài B9 đã kích nổ một quả pháo sáng do đối tượng chuẩn bị từ trước để mang vào sân. Sau đó, Hiếu ném quả pháp xuống khu vực hàng rào.

img

Một số nghi phạm vụ đốt pháo sáng trên sân vận động Hàng Đẫy tối 2/8 bị tạm giữ.

Tiếp đó, Tùng và Sáng liên tiếp đốt pháo sáng tại khán đài B9 và B10. Phát hiện vụ việc, cảnh sát cơ động Hà Nội lập tức lao vào dập pháo. Tuy nhiên, tia nóng phát ra từ quả pháo làm bé trai bị bỏng.

Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Công an quận Đống Đa tiếp tục mở rộng vụ án, làm rõ các đối tượng có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hà Thị Khuyên (Trưởng văn phòng Luật sư Nhân Chính) cho rằng, đốt pháo sáng và kích động cổ động viên khác gây náo loạn khi xem bóng đá là hành động quá khích, rất đáng lên án.

Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng để điều tra làm rõ hành vi của những đối tượng liên quan là có căn cứ, đúng pháp luật.

Sau khởi tố, cơ quan điều tra sẽ làm rõ ngoài các nghi phạm trên, còn những ai tham gia đốt pháo sáng, động cơ mục đích của hành vi là gì?

Luật sư phân tích, theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, người bị kết án gây rối trật tự công cộng mà làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, đã bị xử phạt về hành vi này nhưng tái phạm và chưa được xóa án tích, thì bị phạt tiền tối đa 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Đặc biệt, khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù nếu hành vi có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; xúi giục người khác gây rối; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; tái phạm nguy hiểm.

Đối với tình huống cháu bé bị thương tích do hành vi của các đối tượng gây ra, theo luật sư Khuyên, gia đình nạn nhân cần giám định thương thích để yêu cầu các đối tượng bồi thường do tổn thất về sức khỏe theo quy định của Bộ luật Dân sự.

"Đây là bài học cảnh tỉnh cho những ai còn xem thường quy định pháp luật, có hành vi quá khích và kích động người khác tại nơi công cộng", nữ luật sư khuyến cáo.

Đồng thời, luật sư Khuyên cũng cho rằng, ban quản lý các sân bóng cùng lực lượng chức năng cần kiểm tra nghiêm ngặt người ra vào sân. Điều này sẽ tránh được việc cổ động viên mang theo vũ khí, chất cháy nổ, vật phẩm bị cấm.

Liên quan đến hành vi đốt pháo sáng trên sân vận động Hàng Đẫy, ngày 19/5/2020, TAND quận Đống Đa phạt Vũ Trung Trực (quê Nam Định) 48 tháng tù về các tội gây rối trật tự nơi công cộngcố ý gây thương tích. Hai cổ động viên khác của Nam Định là Trần Đắc Chương và Trần Văn Sùng lĩnh lần lượt 8 tháng và 6 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ.

Theo bản án, ngày 11/9/2019, Trực mang nhiều quả pháo sáng đến cổ vũ trận bóng đá giữa CLB Hà Nội và CLB Nam Định. Hôm đó, anh ta đốt pháo và bắn từ khán đài B sang khán đài A, làm một nữ nạn nhân bị thương. Còn Chương và Sùng có hành vi ngăn cản, tấn công cảnh sát cơ động làm nhiệm vụ tại sân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.