Vừa qua, Ban Thường trực Hội đồng Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã có cuộc họp về việc thuyết giảng và tổ chức thỉnh vong giải oan gia trái chủ tại Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh).
Kết luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định việc chùa Ba Vàng tổ chức lễ thỉnh vong giải oan gia trái chủ rồi thu tiền là không đúng với nghi lễ Phật giáo truyền thống.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng đã vi phạm Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, làm tổn thương đến thanh danh Giáo hội, đến Tăng đoàn.
Theo đó, Đại đức Thích Trúc Thái Minh phải sám hối Đại Tăng, giao cho Thượng tọa Thích Thanh Quyết làm Thầy giáo giới.
Trao đổi với Báo Giao thông, Hoà thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, hình phạt sám hối Đại tăng mà Đại đức Thích Trúc Thái Minh – Trụ trì chùa Ba Vàng phải chịu là một hình phạt tương đối nặng, chỉ sau hình phạt tẩn xuất khỏi Tăng đoàn.
Cũng theo Hoà thượng Thích Gia Quang, từ xưa đến nay, có rất ít trường hợp phải chịu hình phạt sám hối Đại tăng.
Trong Phật giáo, sám hối là ăn năn, hối hận vì những lỗi lầm mình đã gây ra trong quá khứ và nguyện không tái phạm phải lỗi đó nữa. Đây cũng là một trong những pháp tu tập trong Phật giáo, được xem là phương pháp rất tích cực, hữu hiệu trong việc ngăn chặn sự tái diễn của những hành vi bất thiện. Việc sám hối sẽ giúp diệt trừ những tính xấu, đồng thời ngăn chặn những việc làm sai trái trong tương lai.
Phó Chủ tịch Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam giải thích, hình phạt sám hối Đại Tăng có nghĩa là vị Tăng phạm lỗi phải quỳ trước các vị Đại Tăng – thông thường có ít nhất 20 vị để thành tâm sám hối, xin nhận lỗi lầm và cam kết từ nay không phạm lỗi lầm nữa.
Hoà thượng Thích Gia Quang cho biết, 20 vị Đại Tăng này đều là những người “đạo cao đức trọng” được lựa chọn.
Khi sám hối, vị Tăng có lỗi lầm sẽ quỳ trước các vị Đại Tăng và được nghe rõ các lỗi lầm mình đã mắc phải.
Việc sám hối này diễn ra trong nhiều giờ và vị Tăng mắc lỗi gần như không nói gì trong suốt thời gian sám hối.
Việc sám hối diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Sau quá trình sám hối, Tăng đoàn sẽ xem xét lại vị Tăng phạm lỗi đã thực sự ăn năn hối cải chưa, có tiến bộ không. Nếu có, vị Tăng đó sẽ trở lại bình thường và không bị ảnh hưởng gì đến quyền lợi.
Nhưng nếu còn vi phạm, tái phạm thì tuỳ mức độ sẽ có hình thức xử lý khác nhau, nặng nhất có thể sẽ bị tẩn xuất ra khỏi Tăng đoàn.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh là Ủy viên dự khuyết Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo, Phó ban Thông tin truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lai Châu và Ủy viên thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.
Bên cạnh hình thức kỷ luật nói trên, Thường trực Hội đồng Trị sự khu vực phía Bắc còn đề xuất Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ngay lập tức ra quyết định tạm đình chỉ tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Đại đức Thích Trúc Thái Minh trong khi chờ Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN ra quyết định cách chức theo đúng quy trình quy định tại Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tu chỉnh lần thứ VI.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Hòa thượng Thích Thanh Điện, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 1 Trung ương GHPGVN cho hay, việc đề nghị này chỉ tạm đình chỉ với các chức vụ ở Trung ương Giáo hội Phật giáo VN của Đại đức Thích Trúc Thái Minh.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh vẫn là trụ trì chùa Ba Vàng và việc xử lý chức vụ này sẽ do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh quyết định.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì cho rằng, việc cách tất cả các chức vụ trong Giáo hội như trường hợp của đại đức Thích Trúc Thái Minh là một trong những động thái khá hiếm trong trong thi hành kỷ luật của Giáo hội từ ngày thành lập đến nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận