Trên 50 năm nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, GS.TS. Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh được ví như một "pho sử sống" về Bác Hồ. Ông đã có hàng trăm bài báo, rất nhiều tác phẩm sách viết về Bác.
Suốt đời học tập và làm theo lời Bác
Từng là nhà giáo dạy văn học cho học sinh phổ thông, GS.TS. Hoàng Chí Bảo đã vô cùng xúc động khi tiếp xúc với tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Bác. Ông đã thấy được hình ảnh một vị lãnh tụ giản dị, vị Cha già yêu nước, thương dân của dân tộc. Từ đó, ông đã bắt đầu nghiên cứu các tác phẩm, các lý luận chính trị, tìm hiểu sâu thêm triết lý sống vì dân, vì nước của Người.
Sau khi Bác mất (ngày 2/9/1969), GS.TS. Hoàng Chí Bảo được trực tiếp dự lễ quốc tang và lúc đó, đồng chí Lê Duẩn thay mặt Trung ương đọc lời điếu rất cảm động, trong đó có 5 lời thề vĩnh biệt Bác.
"Đảng ta khẳng định Bác ra đi nhưng để lại cho dân tộc cả một di sản vĩ đại, đó là “Thời đại Hồ Chí Minh”. Điều đó tạo ra sự xúc động cho mọi người, trong đó có bản thân tôi - một thanh niên trực tiếp dự lễ tang Người. Từ hôm đó, tôi nguyện phải học, phải nghiên cứu để thấu hiểu hơn nữa về Bác", GS.TS. Hoàng Chí Bảo cho hay.
Nghiên cứu về Bác không chỉ từ lý luận, mà còn bằng tình cảm, bằng lòng thành kính của người con, người cháu nặng lòng tri ân với Bác, suốt trên 50 năm qua, GS.TS. Hoàng Chí Bảo đã có hàng nghìn buổi nói chuyện về Bác, hàng trăm tác phẩm viết về về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.
GS.TS. Hoàng Chí Bảo nói, trên 50 năm nghiên cứu về Bác, ông đã tự rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm. Thứ nhất là sự thành thật. Bản thân ông là người nghiên cứu khoa học và là nhà giáo thì đức tính trung thực phải là hàng đầu trong các phẩm chất về nhân cách. Không ai khác chính Bác là tấm gương mẫu mực nhất về sự trung thực này.
Bác Hồ đối xử với đồng nghiệp, bạn bè, anh em, nhân dân... đều cho thấy sự chân thành, chính vì vậy Bác có sự cảm hóa, tính thuyết phục sâu sắc và lan tỏa rộng lớn.
Tiếp nữa là phải học Bác đức tính khiêm tốn. Bác từ chối nhận huân chương, đề nghị không đúc tượng mình. Bác là Chủ tịch nước, lãnh tụ của Đảng nhưng không quên gửi thư chúc thọ người đã có công quyên góp tiền bạc cho cách mạng. Trong thư, Bác xưng là cháu: “Cháu xin chúc thọ cụ và xin cảm ơn cụ đã có tấm lòng yêu nước…” Một vị Chủ tịch nước nhớ đến ngày sinh của dân là quý rồi, lại xưng là “cháu” gọi “cụ” thì đây là sự khiêm tốn thực sự, chân thành, không phải là sự xã giao.
Một điểm nữa, đó là học Bác đức tính vị tha và đức hy sinh. Bác đã từng nói "nghiêm với mình và rộng lòng với người khác".
"Đến nay tôi nhận thấy rằng, cơ duyên đến với Bác tạo ra cho mình cuộc sống đầy ý nghĩa, tiếp đến là được truyền bá tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh là một hạnh phúc", GS.TS. Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Mong muốn đào tạo lớp kế cận
Đã từng kể hàng nghìn, hàng vạn câu chuyện về Bác, nhưng GS.TS. Hoàng Chí Bảo cho biết, ông thấy xúc động nhất chính là giây phút lâm chung của Người.
Nhớ lại lúc Bác ốm, đúng thời điểm mưa lũ, đê sông Hồng có nguy cơ vỡ, Trung ương có ý định mời Bác đi dưỡng bệnh ở nơi xa Hà Nội cho an toàn. Nhưng Bác khóc, Bác nói: “Bác không thể bỏ dân được. Các chú đưa Bác đi thì chỉ đưa được một mình Bác thôi, còn nhân dân các chú tính sao?”.
Trước khi mất, Bác hỏi 3 câu: “Đê vỡ có nhiều không, có kịp sơ tán nhân dân không? Chiến trường Miền Nam nay thắng ở đâu? Sắp đến ngày khai giảng các chú chuẩn bị trường, vở, sách bút cho các cháu đến đâu rồi?””.
"Ba câu hỏi đó là sự quan tâm thiết thực với mọi người dân, mọi đối tượng trong giây phút cuối cùng của Bác. Cả cuộc đời Bác dành chọn cho dân, cho nước, không một chút riêng tư. Điều ấy làm tôi rất xúc động, tôi cũng cảm nhận được nhiều người xúc động như tôi khi tôi kể câu chuyện này cho họ nghe", ông Bảo nói.
Điều làm vị giáo sư già băn khoăn, là đến nay ông cũng ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn cố gắng đáp ứng những tình cảm của mọi người về những câu chuyện của Bác.
"Nhưng về tương lai, sức khỏe không cho phép thì điều tôi nghĩ đến là phải đào tạo những lớp kế cận để truyền tải những câu chuyện về Hồ Chí Minh, người truyền cảm hứng muôn đời. Những người này ngoài đỏi hỏi có trình độ, năng lực thì quan trọng nhất là phải có đạo đức chuẩn mực. Tôi đã gửi đề án sang Ban Tuyên giáo Trung ương về “Đào tạo bồi dưỡng lớp báo cáo viên về Hồ Chí Minh”. Nếu được thì sẽ đào tạo các em ở độ tuổi 30, có trình độ, chuyên sâu nghiên cứu về Hồ Chí Minh, từ đó chúng ta sẽ có đội ngũ truyền giảng tư tưởng và phong cách của Người", ông Bảo thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận