Thanh tra giao thông Sở GTVT Hòa Bình kiểm tra tải trọng xe trên đường Hồ Chí Minh |
Để góp phần kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) hiệu quả trên “cung đường nóng” Hồ Chí Minh, Thanh tra Sở GTVT tỉnh Hòa Bình đã lập đội KSTTX lưu động, dùng cân xách tay kiểm soát, xử lý vi phạm hàng ngày trên tuyến.
Phạt từ “gốc”
Gần trưa 11/5, trời nắng nóng, cung đường Hồ Chí Minh đoạn qua Hòa Bình xe cộ chạy nườm nượp, bụi bay mù mịt. Tổ Thanh tra do ông Lê Văn Vinh, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo dùng xe công vụ, đem theo cân xách tay vẫn liên tục di chuyển, thi thoảng lại quay vòng để đánh lạc hướng đội ngũ “chim lợn” trên tuyến.
Từ ngày 24/4-12/5, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hòa Bình đã lập 42 biên bản vi phạm chở hàng quá tải; Xếp hàng vượt quá bề rộng, chiều dài cho phép; Chở vật liệu rời không che phủ bạt hoặc có che phủ bạt nhưng vẫn để rơi vãi... Trong đó, có 17 biên bản phạt chủ phương tiện về hành vi giao cho người làm công điều khiển phương tiện vi phạm. Tổng số tiền phạt thu nộp Kho bạc Nhà nước là gần 185 triệu đồng, trong đó phạt chủ phương tiện 113 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn 13 trường hợp. |
Đến 10h, tại Km 440+900 đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Thành Lập, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, Tổ Thanh tra phát hiện xe tải BKS 29C-367.99 có dấu hiệu chở quá tải, nên đã dừng xe. Lái xe Cao Bá Nam (SN 1982, trú xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội thanh minh, xe không chở quá tải vì “dạo này lực lượng chức năng làm “gắt”, tài xế cũng sợ”. Tuy nhiên, kết quả cân tải trọng, xe tải BKS 29C-367.99 vượt quá tải trọng cho phép ở mức 20 - 50%. Trước kết quả “giấy trắng mực đen”, tài xế Nam đành “tâm phục khẩu phục” ký vào biên bản xử phạt.
Trước đó, tại mỏ đá Cao Thắng, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, Tổ thanh tra đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Thế Tài, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Cao Thắng về lỗi xếp hàng lên xe ôtô vượt quá tải trọng cho phép tham gia giao thông ở mức 40%. Theo ông Đỗ Duy Nguyên, Phó đội trưởng Đội TTGT số 2 (Sở GTVT Hòa Bình), Tổ thanh tra khi phát hiện thấy xe chạy từ các đầu mối bốc xếp hàng hóa ra đường Hồ Chí Minh chở quá tải trọng sẽ yêu cầu dừng xe để cân. Nếu kết quả cân cho thấy vi phạm quá tải, thì lực lượng TTGT yêu cầu xe quay về đầu mối bốc xếp hàng hóa để hạ tải, sau đó xử lý phía đầu mối xếp dỡ.
“Đây là biện pháp phạt từ “gốc”, có tác dụng răn đe các đầu mối bốc xếp hàng hóa có trách nhiệm, thực hiện đúng quy định trong việc kiểm soát tải trọng xe”, ông Nguyên nói.
“Hạ nhiệt” cung đường “nóng”
Theo ông Ngô Văn Điềm, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hòa Bình, đoạn đường Hồ Chí Minh qua Hòa Bình vốn được coi là “cung đường nóng” về xe quá tải, bởi tuyến đường này giáp ranh giữa Hà Nội - Hòa Bình, lại có tới hơn hai chục mỏ đá, nhiều nhà máy sản xuất xi măng, có rất nhiều đường rẽ, đường nhánh.
“Địa hình tuyến đường Hồ Chí Minh qua Hòa Bình có nhiều phức tạp, trên tuyến lại có đội ngũ “chim lợn” hoạt động liên tục để “phím” cho các xe chở quá tải qua lại, nên chúng tôi xác định, nếu chốt chặn một điểm cố định trên tuyến này thì không thể bắt được xe nào”, ông Điềm nhìn nhận.
Thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Bộ GTVT và UBND tỉnh Hòa Bình, Thanh tra Sở GTVT đã lập Tổ công tác với nhiệm vụ kiểm tra, xử lý xe chở quá tải, chở vật liệu xây dựng không che chắn làm rơi vãi đất, đá xuống đường gây ô nhiễm môi trường và mất ATGT trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Tổ công tác hoạt động từ cuối tháng 4/2016, có một phó chánh Thanh tra Sở trực tiếp chốt trực trên cung đường này để tăng cường chỉ đạo, xử lý nghiêm xe vi phạm.
Tổ thanh tra làm nhiệm vụ KSTTX trên tuyến hàng ngày, kể cả thứ bảy, chủ nhật, lễ Tết. Ngoài thời gian TTGT làm độc lập, lực lượng liên ngành TTGT và CSGT vẫn thực hiện kế hoạch TTKS, xử lý vi phạm xe quá tải trên tuyến đường này. “Hiệu quả sau nửa tháng triển khai KSTTX lưu động trên tuyến đường Hồ Chí Minh, vi phạm chở quá tải trên tuyến đã giảm, mức chở quá tải bị phát hiện chủ yếu ở mức thấp dưới 50%”, ông Điềm nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận