Chiều 25/1, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng thông tin về quá trình Việt Nam – Hoa Kỳ hợp tác điều tra liên quan tới vụ khủng bố tại Đắk Lắk hồi tháng 6 vừa qua.
Bà Hằng khẳng định: "Việc điều tra vụ án xảy ra tại Đắk Lắk ngày 11/6/2023 đã được thực hiện đúng pháp luật Việt Nam".
Trong quá trình điều tra, các cơ quan chức năng Việt Nam – Hoa Kỳ đã và đang thường xuyên trao đổi thông tin về các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định luật pháp, bà Hằng nói.
Theo đại diện Bộ Ngoại giao, trao đổi với phía Công an Việt Nam, Hoa kỳ khẳng định không dung túng bất cứ cá nhân, tổ chức nào liên quan đến vụ việc tại Đắk Lắk và cam kết hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trong quá trình điều tra làm rõ, ngăn chặn vụ việc tương tự xảy ra, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai nước.
"Chúng tôi tin tưởng tất cả các nước và Việt Nam cũng như nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới đều kiên quyết phản đối tất cả hành động khủng bố dưới mọi hình thức và hợp tác để điều tra nghiêm minh hành vi khủng bố theo quy định luật pháp quốc tế" – bà Hằng nói.
Đồng thời, bà Hằng bác bỏ hoàn toan những luận điệu cho rằng Việt Nam có sự kỳ thị sắc tộc. Các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam đều bình đẳng. Chính phủ luôn dành ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt trong phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân.
Trước đó, ngày 16/1, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử sơ thẩm vụ án “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Khủng bố; Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; Che giấu tội phạm” xảy ra tại huyện Cư Kuin vào ngày 11/6/2023.
Phiên tòa xét xử lưu động tại tổ dân phố 11, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ba Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Sau 5 ngày đưa ra xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tuyên án đối với 100 bị cáo.
Theo đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên 53 bị cáo về tội "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân"; 45 bị cáo phạm tội "Khủng bố"; bị cáo Lê Văn Nghĩa phạm tội "Tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép"; bị cáo Y Cing Byă phạm tội "Che giấu tội phạm".
Tại phiên tòa, sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt và áp dụng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước, HĐXX tuyên phạt tù chung thân đối 10 bị cáo gồm: bị cáo Y Sôl Niê, H Wuễn Êban, Y Thô Ayun, Y Chanh Niê, Y Jũ Niê, Y Tim Niê, Y Chun Niê, Nay Yên, Y Nơt Siu và Y Giốp Mlô.
Tuyên các bị cáo: Y Pho Niê, Y Diơh Kbuôr, Y Jôl Arul, Y Dăr Kbuôr, Y Khing Liêng mức án 20 năm tù giam; các bị cáo còn lại trong nhóm phạm tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và Khủng bố bị xử phạt mức cao nhất là 19 năm tù và thấp nhất là 3 năm 6 tháng tù giam. Riêng bị cáo Lê Văn Nghĩa bị xử phạt 2 năm tù giam và bị cáo Y Cing Byă 9 tháng tù giam.
Về trách nhiệm dân sự, buộc 92 bị cáo liên đới bồi thường cho bị hại, đại diện hợp pháp của bị hại các chi phí cứu chữa, mai táng; thiệt hại về tài sản cho các cá nhân, doanh nghiệp và đại diện UBND xã Ea Ktur, Ea Tiêu.
Cũng tại cuộc họp báo, đại diện phát ngôn Bộ Ngoại giao bình luận về việc Tổ chức theo dõi nhân quyền ra thông cáo báo chí nhắc đến vấn đề nhân quyền của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: "Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ, lên án cái gọi là Tổ chức theo dõi nhân quyền và những nội dung sai sự thật nêu trong báo cáo của nhóm này.
Đây không phải là lần đầu tiên tổ chức này đưa ra những luận điệu mang tính vu cáo, định kiến với ý định xấu nhằm vào Việt Nam, âm mưu phá hoại quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, chia rẽ Việt Nam".
Theo bà Hằng, những nỗ lực quyết tâm, thành tựu trong bảo đảm quyền con người của Việt Nam đã được thể hiện rõ ràng thông qua những kết quả phát triển kinh tế - xã hội và được nhân dân trong nước cùng đông đảo cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận