Logistics đẩy mạnh nhu cầu kho vận
Theo Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận hàng đầu Agility công bố năm 2022, Việt Nam đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng trong top 50 quốc gia đứng đầu.
Trong số các nước ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia và Malaysia, Thái Lan. Dự báo thị trường vận tải và logistics của Việt Nam tăng trưởng hàng năm là 7% (giai đoạn từ 2021 - 2026).
Thị trường logistics phát triển kéo theo nhu cầu thuê kho bãi tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu đó, một số dự án đầu tư khu công nghiệp mới được chấp thuận đầu tư và triển khai thực hiện trong 6 tháng đầu năm nay.
Cụ thể đó là Khu công nghiệp Cây Trường quy mô 700 ha, VSIP III quy mô 1.000 ha tại tỉnh Bình Dương; Khu công nghiệp Nam Tân Tập quy mô 245 ha và khu công nghiệp Tân Tập quy mô 654 ha, dự án nhà xưởng và nhà kho quy mô 13,4 ha tại khu công nghiệp Phú An Thạnh tại tỉnh Long An; Khu công nghiệp Quảng Trị quy mô khoảng 500 ha tại tỉnh Quảng Trị; dự án nhà xưởng và nhà kho khu công nghiệp Hố Nai quy mô 16,3 ha tại tỉnh Đồng Nai.
Báo cáo của một công ty chứng khoán về bất động sản công nghiệp cho thấy, nhiều nhà đầu tư ở miền Nam đã lên kế hoạch mở rộng đầu tư hạ tầng khu công nghiệp nhằm đón sóng đầu tư nước ngoài. Diện tích đất khu công nghiệp ở phía Nam dự kiến sẽ tăng thêm hơn 3.500ha trong 2 năm tới. Trong khi đó, đơn vị này cho rằng, để đáp ứng nhu cầu, miền Bắc cần tăng thêm nguồn cung từ 3.600ha đất khu công nghiệp trong giai đoạn 2022-2023.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tỉ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp của cả nước trong nửa đầu năm 2022 có xu hướng tăng và đạt ở mức cao. Trong đó tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở phía bắc trong nửa đầu năm 2022 đạt khoảng 80%, tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố phía nam là khoảng 85%.
Tại một số địa phương, tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn ở mức cao trên 95% như TPHCM, Đồng Nai và Bắc Ninh.
Lo ngại thiếu nguồn cung
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp là một tín hiệu đáng mừng trong phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, cũng không ít lo ngại, nguồn cung về kho bãi, hậu cần chưa đáp ứng được nhu cầu, thậm chí khó khăn trong tiếp cận mặt bằng.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn trong quá trình tìm kiếm địa điểm, khu công nghiệp hậu cần kho bãi, đặc biệt là xung quanh các thành phố lớn như Hà Nội. Nguồn cung bất động sản công nghiệp đang chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Matthew Powell tin tưởng, việc thiếu hụt nguồn cung sẽ sớm được giải quyết trong những tháng tới nhờ dòng vốn nước ngoài chảy vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Theo ông Matthew Powell, sự xuất hiện của những đơn vị quốc tế đã nâng cao chất lượng xây dựng và vận hành bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, sản xuất công nghệ cao và công nghiệp sạch đang là xu hướng phát triển của ngành.
“Những nhà đầu tư vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam ngày càng chú trọng nhiều hơn vào những giải pháp giúp tối ưu hóa hiệu suất hoạt động cho doanh nghiệp. Họ tham khảo chuyên môn từ các khu vực phát triển như Mỹ, Anh, Singapore, Úc hay Nhật Bản để đưa ra những cải tiến trong thiết kế và vận hành, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp logistics. Với những nỗ lực từ phía Chính phủ và doanh nghiệp, ngành hậu cần của Việt Nam sẽ tiến những bước dài trong thời gian tới”.
Tuy nhiên, ông Matthew Powell cho rằng, để ngành logistics Việt Nam vươn cao, tiềm năng để phát triển ngành hậu cần và trở thành trung tâm logistics của vùng thì cần chú trọng chính sách và giảm thiểu về thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hạ tầng giao thông sẽ tạo đòn bẩy cho sự phát triển của ngành hậu cần Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận