Ruột phích nước Rạng Đông được khẳng định sử dụng công nghệ sản xuất an toàn với người sử dụng |
Cặn thủy tinh hay bụi thủy ngân?
Mới đây, anh Nguyễn Trung Dũng (44 Đỗ Hữu Cảnh, P.10, TP Vũng Tàu) phản ánh với Báo Giao thông khi thấy hiện tượng “lạ” trong cốc nước rót ra từ phích nước Rạng Đông mà nhà anh vẫn quen sử dụng hàng chục năm nay. “Trước đây tôi không biết, chỉ trong một lần tình cờ để ý thấy nước rót ra từ phích nước Rạng Đông, đem ra ánh sáng mặt trời soi lên thấy hiện tượng rất nhiều hạt lấp lánh như thủy tinh lơ lửng”, anh Dũng kể và bày tỏ lo lắng khi bản thân và người nhà đều “trót” uống phải. “Không chỉ phích nước nhà mình mà còn cả của người quen đều có hiện tượng những cặn lấp lánh như vậy! Đáng nói chỉ nước đựng trong phích mới thấy hạt lấp lánh còn nước đun sôi để nguội hay đổ ra bình chứa lại không hề có!”, anh Dũng chia sẻ.
Không kém phần lo lắng, chị Lê Thị Hồng (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Bé nhà mình được gần 3 tháng tuổi, nên mình thường đựng nước sôi vào phích nước Rạng Đông để pha sữa cho con. Tuy nhiên, nước đựng trong phích Rạng Đông thường bị lẫn nhiều vẩn bạc, soi qua ánh đèn nhìn thấy ngay. Dù thay phích mới song hiện tượng này vẫn xảy ra. Không hiểu những vẩn bạc trong nước đó có ảnh hưởng đến sức khỏe của bé không nhưng mình có cảm giác nó không tốt”.
Trả lời về hiện tượng thoát phiến đối với sản phẩm lỗi, bà Khúc Thị Minh Thu khẳng định: Tất cả sản phẩm trước khi đưa ra thị trường đều qua khâu kiểm định khắt khe theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam. Do đó, nếu phát hiện lỗi, sản phẩm ngay lập tức sẽ bị loại bỏ. |
Thậm chí, trên cộng đồng mạng còn lan truyền tin đồn cho rằng, hiện tượng các hạt lấp lánh chính là “bụi thủy ngân” có trong công nghệ sản xuất phích(!?).
Vậy những hạt lấp lánh trong nước phích thực chất là gì? Đem câu hỏi này hỏi TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa HN), PV nhận được khẳng định: “Chắc chắn không có bụi thủy ngân trong nước phích”. Theo vị chuyên gia, ruột phích được cấu tạo bởi 2 bình thủy tinh lồng gắn vào nhau và được hút chân không để giữ nhiệt. Mặt khác, người thợ mạ một lớp bạc để tăng thời gian giữ nhiệt của phích. “Nếu đựng nước trong phích, nước sẽ chỉ tiếp xúc với lớp thủy tinh bên trong và không liên quan tới một hóa chất độc hại nào cả. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, nếu ruột phích bị nứt vỡ thì nước có thể tiếp xúc với lớp bạc, ảnh hưởng tới độ tinh khiết của nước và sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Trong trường hợp này, cần thay ngay ruột phích.”, TS. Thịnh khuyến cáo.
Trong trường hợp ruột phích không bị vỡ (nước vẫn nóng lâu) mà lại xuất hiện các hạt lấp lánh, ông Thịnh đặt ra 2 giả thuyết. Thứ nhất, có thể đây là hiện tượng kết tủa các chất có sẵn trong nguồn nước; Thứ hai, do hiện tượng thoát phiến. “Nếu là trường hợp thoát phiến thì đây là sản phẩm lỗi, người dùng cần bỏ đi ngay. Tuy nhiên, trường hợp này rất ít khi xảy ra đối với công nghệ sản xuất thủy tinh”, ông Thịnh phân tích.
Không ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng?
Để làm rõ vấn đề, PV Báo Giao thông đã có buổi trao đổi với bà Khúc Thị Minh Thu, Trưởng phòng Quản lý hệ thống, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Tại đây, bà Thu khẳng định, trong tất cả công đoạn sản xuất phích nước đều không dùng thủy ngân. “Phích nước Rạng Đông vẫn đang được sản xuất từ loại thủy tinh chất lượng cao đạt tiêu chuẩn RoHs của châu Âu về an toàn cho người sử dụng”, bà Thu nói.
Về hiện tượng nước rót ra từ phích có các hạt lấp lánh, bà Thu thừa nhận, đây cũng chính là nội dung phản ánh nhiều nhất của khách hàng về công ty. “Ngay khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã gửi mẫu nước, ruột phích và ấm đun nước của khách hàng đến Viện Công nghệ hóa học tại TP HCM để phân tích, đồng thời đề nghị tư vấn khoa học, đánh giá mức độ ảnh hưởng. Theo đó, kết luận cho thấy bình thủy (phích nước) Rạng Đông không phải là nguyên nhân gây cặn lắng. Hiện tượng cặn lắng là sự tạo keo kết tủa của các muối không tan của nhôm, magiê, canxi... có trong nguồn nước; trong cặn và trong nước không có các kim loại nặng độc hại cho sức khỏe; bình thủy Rạng Đông không phải là nguyên nhân gây lắng cặn”, bà Thu thông tin.
Theo bà Thu, hiện tượng tạo tủa trong nước sẽ nhiều hơn khi nguồn nước có hàm lượng oxitsilic (SiO2) hay lượng thuốc tẩy cao. Đặc biệt, đối với ruột phích có độ giữ nhiệt cao thì hiện tượng này càng rõ. “Trước sự thắc mắc bất an của khách hàng, chúng tôi liên hệ với nhiều viện khoa học nghiên cứu để tư vấn giúp sản phẩm đáp ứng được các nguồn nước. Tuy nhiên, thực tế nguồn nước ở Việt Nam rất khác nhau về thành phần, nồng độ muối khoáng nên hiện tượng tạo tủa trong nước là điều khó tránh”, bà Thu lý giải.
Trả lời về thắc mắc của độc giả phản ánh, cùng một nguồn nước nhưng hiện tượng vẩn cặn lấp lánh chỉ có khi đun sôi rót vào phích nước Rạng Đông còn đựng trong các loại phích nước khác làm bằng inox thì không thấy xuất hiện, bà Thu thừa nhận: “ Hiện tượng cặn vẩn chỉ nhìn thấy ở phích thủy tinh không xuất hiện phích inox là do bề mặt thủy tinh nhẵn hơn dễ tạo tâm kết tinh hơn. Chính vì vậy, sau khi dùng một thời gian, nhìn ruột phích sẽ có những vết nhám. Chúng tôi khuyến cáo khách hàng sau khi sử dụng phích một thời gian cần xúc rửa bằng cách cho một ít dấm chua để loại bỏ những cặn nhám trên thành ruột phích” .
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận