Sơ đồ vị trí, khoảng cách các vùng biển
|
Việt Nam cũng như các quốc gia có biển khác, đều tuân theo quy định quốc tế về việc trang bị thông tin liên lạc trên biển cũng như hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển đều được quy định theo vùng biển.
Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích biển Đông.
Vùng biển nước ta có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa, được phân bố khá đều theo chiều dài của bờ biển, với vị trí đặc biệt quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ sườn phía Đông đất nước.
Tại Mục IV/2 của tài liệu SOLAS (Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển) các vùng biển đã được định nghĩa như sau:
Vùng biển A1 là vùng nằm trong tầm phủ sóng vô tuyến điện thoại của ít nhất một đài TTDH VHF mà trong đó có khả năng tiến hành báo động liên tục bằng DSC.
Vùng biển A2 là vùng trừ vùng biển A1, trong giới hạn vùng phủ sóng vô tuyến điện thoại của ít nhất một Đài TTDH MF mà trong đó có khả năng tiến hành báo động liên tục bằng DSC.
Vùng biển A3 là vùng trừ vùng biển A1 và A2, trong giới hạn phủ sóng của vệ tinh địa tĩnh Inmarsat mà trong đó có khả năng tiến hành báo động liên tục.
Vùng biển A4 là vùng ngoài vùng biển A1, A2 và A3.Tuy nhiên, từ ngày 30/6/2014 đến 14/7/2014, tại cuộc họp lần thứ nhất của Tiểu ban về Hành hải, thông tin liên lạc và tìm kiếm cứu nạn (NCSR I), thuộc Ủy ban An toàn Hàng hải (MSC), một số quốc gia thành viên dự họp đã đưa ra ý kiến đề xuất thay đổi định nghĩa đối với mỗi vùng biển như sau:
- Vùng biển A1: Thông tin VHF được sử dụng khá rộng rãi tại vùng biển A1. Do vậy, khái niệm vùng biển A1 nên giữ nguyên.
- Vùng biển A2: Thiết bị có sẵn để liên lạc sóng mặt đất trên các tàu luôn kết hợp với máy thu phát MF/HF. Thiết bị này phải phù hợp cho việc sử dụng trong vùng biển A2 và A3. Việc kết hợp của 2 vùng biển này cần xem xét.
Tuy nhiên, cần lưu ý, cân nhắc việc sử dụng thông tin liên lạc thoại trên dải sóng MF. Hơn nữa, cũng có yêu cầu bảo dưỡng khác nhau đối với vùng biển A2 và A3 và cuối cùng đã kết luận rằng vùng biển A2 nên được giữ lại như một vùng biển riêng.
- Vùng biển A3 và A4: Tiểu ban đồng ý vấn đề này nên được xem xét chi tiết theo lộ trình hiện đại hóa Hệ thống GMDSS của IMO vì một số lý do sau:
Việc giới hạn giữa vùng biển A3 và A4 hiện đang được định nghĩa là độ bao phủ của vệ tinh Inmarsat. Tuy nhiên, Inmarsat không phải là nhà cung cấp vệ tinh duy nhất theo tiêu chuẩn GMDSS.
Hệ thống vệ tinh khu vực hoặc hệ thống vệ tinh toàn cầu cung cấp dịch vụ GMDSS với độ bao phủ vùng biển A3 khác nhau.
Vùng biển A3 và A4 được định nghĩa bởi tổ chức, trong khi đó vùng biển A1 được định nghĩa bởi quốc gia thành viên.Cần xem xét HF với yêu cầu nên duy trì đối với vùng biển A4 và là một lựa chọn cho vùng biển A3.
Khó khăn để chuyển tiếp các báo động cấp cứu tới cơ quan tìm kiếm cứu nạn khi một lượng lớn nhà cung cấp sẽ cung cấp thiết bị và dịch vụ thông tin qua các hệ thống khác nhau, do vậy sẽ khó cho cơ quan TKCN khi phải phân biệt các loại thiết bị riêng biệt được trang bị trên mỗi tàu.
Trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn, với lợi thế bờ biển dài, Việt Nam là một quốc gia đóng vai trò tích cực trong việc phối hợp hỗ trợ, tìm kiếm người và phương tiện bị nạn trên biển.
Là Hệ thống thông tin được Chính phủ Việt Nam đầu tư với mục tiêu phục vụ Phòng chống thiên tai, an toàn an ninh hàng hải và hỗ trợ thông tin tìm kiếm cứu nạn cho người và phương tiện trên biển, Hệ thống TTDH Việt Nam luôn xác định cần tuân thủ chặt chẽ quy định của quốc tế về các vùng biển trong hoạt động TKCN, cho dù đề xuất điều chỉnh quy định về các vùng biển được hay không được Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) xem xét, chấp thuận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận