Diễn đàn của nhân dân
Không chỉ là người sáng lập báo chí cách mạng Việt Nam, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết khoảng 2.000 bài báo với nhiều thể loại và được ký bằng 174 tên gọi, bí danh, bút danh khác nhau.
Đó đều là các tác phẩm lý luận quan trọng, là cẩm nang chỉ đường cho Đảng và nhân dân ta trong các giai đoạn cách mạng.
Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Xuất phát từ mục đích hoạt động của nền báo chí cách mạng là vì nhân dân, Người nhắc nhở những người làm báo: "Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn".
Để báo chí luôn là diễn đàn của nhân dân, Bác khẳng định: "Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo".
Người cũng chỉ ra rằng: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ". Bởi vậy, việc viết báo phải hướng đến đối tượng cụ thể: "Bắn thì phải có bia, phải có mục tiêu". Bài báo phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng.
Về đạo đức người làm báo, Người cho rằng trước tiên đề tài phải là "những điều mắt thấy, tai nghe". Nghĩa là viết báo phải đúng sự thật, bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc.
Tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 16/4/1959), Bác đã nhận xét, ưu điểm của các nhà báo là cơ bản, nhưng khuyết điểm cũng còn nhiều. Một trong những khuyết điểm đó là "nắm vấn đề chính trị không được chắc chắn". Do đó, Người căn dặn: "Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được".
Sứ mệnh cao cả của báo chí
Trong suốt 99 năm qua, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày nay, sự phát triển không ngừng của báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu với các công cụ số đã tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các cơ quan báo chí cũng như các nhà báo. Trí tuệ nhân tạo và công nghệ có thể trở thành trợ lý ảo cho báo chí, giúp tăng năng suất và hiệu quả.
Tuy nhiên, báo chí cũng đối mặt với nguy cơ tin giả, tin sai lệch do trí tuệ nhân tạo và các công cụ số khác tạo ra, thách thức bị sử dụng trái phép bản quyền báo chí trên môi trường số.
Báo chí đang phải đối diện với những vấn đề có tính chất bước ngoặt để bảo đảm thế chủ động trong định hướng, dẫn dắt thông tin trước sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội.
Thời gian qua, có thực tế một số cơ quan báo chí thường sa đà vào những tin tức giật gân, câu khách mà quên đi hoặc không chú trọng phản ánh những điều tốt đẹp, giúp lan tỏa những giá trị nhân văn. Một số nhà báo, cơ quan báo chí dường như chỉ quan tâm nêu mặt xấu, mặt tiêu cực trong xã hội mà quên đi trách nhiệm ca ngợi cái tốt, tôn vinh cái đẹp, phê phán cái xấu.
Bởi vậy, việc làm thế nào để báo chí vừa đấu tranh với tiêu cực, phản ánh mặt trái của xã hội nhưng vẫn không quên đi sứ mệnh của mình trong việc chuyển tải những thông điệp, câu chuyện, việc làm tử tế mang nhiều giá trị giáo dục với cộng đồng… là vấn đề lớn được đặt ra.
Tôn trọng sự thật
Trong xã hội hiện nay, dù còn có những việc chúng ta chưa thật hài lòng, nhưng đó chỉ là hiện tượng, sự việc đơn lẻ, không phản ánh bản chất xã hội. Bức tranh chung của xã hội là tươi sáng, tốt đẹp, người tốt là chủ yếu và việc tốt cũng rất nhiều. Nếu báo chí không đi sâu tìm hiểu, phản ánh, xã hội không dễ để nhận biết.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của nhà báo là phản ánh sự thật, đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác. Trước mỗi sự việc xảy ra trong xã hội, báo chí phải khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải.
Để làm được điều đó, việc thấm nhuần, học tập những lời chỉ dạy của Bác Hồ về nghề báo, đạo đức người làm báo rất quan trọng. Việc học Bác về phong cách và quan điểm làm báo sẽ giúp đội ngũ nhà báo luôn giữ được "tâm sáng, lòng trong, bút sắc".
Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ và truyền thông xã hội, báo chí đang đối mặt với nhiều áp lực, từ câu chuyện bản quyền, tin giả, thông tin xấu độc, thông tin sai lệch, xuyên tạc… cho đến những khó khăn về kinh tế báo chí.
Tuy nhiên, càng trong những lúc khó khăn, báo chí càng cần tìm tòi sáng tạo để vượt qua, vươn lên, trở thành nơi tin cậy để xã hội gửi gắm niềm tin. Báo chí cần thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; là người tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ nhân dân, là diễn đàn rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hóa tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.
TS Phạm Quang Long (Phó chủ tịch Hiệp hội khoa học Hành chính Việt Nam)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận