“Học và làm theo tấm gương của Bác giúp cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, được dân tin yêu, tránh xa được những cám dỗ khiến họ có thể sa ngã”, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mở đầu cuộc trò chuyện với Báo Giao thông về cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Người (1890 - 2023).
Bài học trọng dân
Ông Nguyễn Túc
Từng có may mắn nhiều lần tiếp xúc với Bác Hồ, cảm xúc của ông thế nào mỗi khi nhớ lại?
Qua những lần gặp mặt đó, tôi cảm nhận rõ sự giản dị và gần gũi với nhân dân của Người.
Lần đầu tiên là ngày mùng 1 Tết năm 1958, Bác đến thăm Trường Đại học Bách khoa, khi đó tôi đang là giảng viên của trường. Tôi nhớ lúc đó, Bác mặc chiếc áo nâu và đôi dép cao su Bình Trị Thiên. Tất cả giảng viên và sinh viên đều ngỡ ngàng vì không hề được báo trước.
Tôi cho rằng, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải việc làm cao siêu, to tát mà rất gần gũi, thiết thực gắn với nhiệm vụ hàng ngày.
Cán bộ, đảng viên ở vai trò, nhiệm vụ nào thì cũng cần trui rèn, nâng cao chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng với đó là rèn luyện đạo đức trong sáng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Ông Nguyễn Túc
Khi đến, Bác ân cần hỏi thăm giảng viên, sinh viên của trường, đặc biệt Bác căn dặn phải quan tâm đến những sinh viên miền Nam, để các con em miền Nam học tập tốt, sau này sẵn sàng trở lại miền Nam khi Tổ quốc cần.
Chúng tôi cảm nhận sự bình dị và gần gũi như một người cha, người ông đến chúc Tết các con, các cháu.
Lần thứ 2 là năm 1960, Bác dẫn đoàn đại biểu cấp cao quốc tế thăm trường. Sau khi thăm các giảng đường, phòng thí nghiệm, các xưởng sản xuất, Bác mời đoàn đại biểu của bạn nói chuyện với thầy giáo và sinh viên của trường.
Lần ấy, Bác cũng dành cho thầy giáo và sinh viên những phút giây gần gũi, thân tình. Bác ngồi ngay trên bậc thềm nhà triển lãm, thầy trò ngồi vây quanh Bác. Chúng tôi thực sự rất xúc động trước sự giản dị và gần gũi với nhân dân của Bác.
Có rất nhiều điều mà chúng ta phải học tập Bác. Với ông, ông cảm thấy thấm thía những bài học nào? Và với mỗi cán bộ, đảng viên, những bài học nào cần phải thường xuyên trau dồi, rèn luyện?
Đó là trọng dân. Trọng dân, gần dân, thân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì nhân dân quên mình, chăm lo đến lợi ích của dân là một tư tưởng lớn, mang tính văn hóa, nhân văn, nhân đạo cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tư tưởng trọng dân được thể hiện không chỉ ở những trang sách lý luận bàn về dân, dân làm chủ, mà điểm chính yếu là người ta đã tìm thấy trong hoạt động thực tiễn của Người.
Chúng ta còn nhớ, trong chuyến đi công tác tại tỉnh Hà Đông năm 1958, Bác xuống tát nước cùng nông dân ngay trên bờ ruộng. Hay hình ảnh Bác dùng máy cấy lúa cải tiến tại trại thí nghiệm trồng lúa ở Hà Nội năm 1960…
Trọng dân, Người gần gũi với các cụ già, trẻ thơ, thăm hỏi ân cần những người dân lương thiện, lao động cần cù, một nắng hai sương, an ủi họ, tạo mọi điều kiện để họ có cơ hội sống tốt, sống khỏe, sống vì mình, vì người, vì cộng đồng của 54 dân tộc anh em.
Như ông nói, tư tưởng trọng dân và phong cách gần dân của Bác là bài học sâu sắc cho các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập, noi theo. Theo ông, trọng dân và gần dân cần được hiểu cụ thể ra sao?
Muốn dân tin thì người lãnh đạo và quản lý trước hết phải dân chủ với dân, tôn trọng dân như tôn trọng chính bản thân mình. Không tôn trọng dân, không dân chủ với dân sẽ làm khoảng cách với dân ngày một xa, làm cho lãnh đạo và người dân cách biệt nhau, xa rời nhau.
Vấn đề “gần dân” của người cán bộ không chỉ là đến với dân, ở ngay bên dân, “gần dân” ở đây là biết tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, không sách nhiễu, giải quyết mọi công việc của nhân dân trên tinh thần chí công vô tư.
Bác Hồ vẫn luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân… Tư tưởng của Bác về vấn đề này là rất sâu sắc.
Sa ngã vì học và làm theo không thực chất
Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và dùng thử máy cấy tại Trại thí nghiệm thuộc Sở Nông lâm - Hà Nội năm 1960Ảnh: tư liệu
Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Đảng ta nêu ra và chỉ đạo từ rất sớm, bằng nhiều chỉ thị, nghị quyết, qua nhiều thời kỳ. Ông nhìn nhận thế nào về kết quả trong thực tế?
Cuộc vận động đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn không ít cán bộ học tập và làm theo không thực chất.
Bằng chứng là thời gian qua có rất nhiều cán bộ, kể cả cấp cao dính sai phạm, bị kỷ luật, xử án tù. Nhiều cán bộ sống xa hoa, trong khi đời sống người dân còn khó khăn.
Vừa qua, báo chí đã phản ánh, một số cán bộ xây biệt phủ xa hoa, hoành tráng với số tiền hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Không ít những cán bộ đó bị bắt vì tham nhũng, tiêu cực.
Sẽ rất nguy hiểm nếu cán bộ suy thoái về tư tưởng, bởi sẽ dẫn đến tư duy làm quan là để vơ vét, để bản thân và gia đình có cuộc sống xa hoa. Tôi cho rằng, đó là biểu hiện rõ nét của chủ nghĩa cá nhân. Họ muốn tách biệt với nhân dân, điều này rất đáng quan ngại.
Ông có cho rằng, việc cán bộ không chịu rèn luyện, tu dưỡng, không chịu học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ là do mặt trái của kinh tế thị trường, khiến họ dễ dàng sa ngã trước những cám dỗ về lợi ích vật chất hơn so với thời trước?
Ở thời kỳ nào, người đảng viên cũng phải đối mặt với những thử thách. Nếu như trước đây là đòn roi, sự tra tấn dã man của kẻ thù thì nay là đồng tiền và những cám dỗ về vật chất.
Rõ ràng là kinh tế thị trường ngoài những mặt tích cực thì cũng có mặt trái. Tham vọng về tiền bạc quá lớn khiến con người ta ganh đua nhau, khoe khoang của cải.
Thực tế, những cán bộ cấp cao bị xử lý, kỷ luật, vướng lao lý vừa qua dù có điều kiện sống tốt, được đào tạo, bồi dưỡng qua rất nhiều trường lớp, nhưng vẫn bị đánh gục bởi những “viên đạn bọc đường”.
Có quan chức vừa rồi bị xử án tù, trước đây từng công tác trong quân đội, lập nhiều chiến công. Ấy nhưng khi giữ cương vị quản lý, người này lại bị bắn gục bởi ma lực đồng tiền, nhận hối lộ tới hàng triệu USD, đánh mất hết phẩm chất đã được tôi luyện từ hồi còn ở quân ngũ. Đó thực sự là điều rất đáng buồn.
Vậy theo ông, để noi gương về sự giản dị, tiết kiệm của Bác, tránh rơi vào sự ham hố, đua tranh về vật chất, rời xa lý tưởng cách mạng, các cán bộ, đảng viên cần phải tự ý thức được những gì?
Khi vào Đảng, đảng viên nào cũng nói lời thề dưới cờ Đảng, vậy trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện đúng lời thế này. Nói đến lời thề của đảng viên là nói đến lương tâm, danh dự, phẩm chất, giá trị, uy tín, thanh danh của người cộng sản. Chính vì vậy, cán bộ cần phải biết trọng liêm sỉ.
Thứ hai, trong nền kinh tế thị trường có rất nhiều cám dỗ, vì vậy cán bộ phải biết giữ mình, biết đâu là việc làm đúng, đâu là việc làm chưa tốt, từ đó luôn luôn phải tự soi, tự sửa. Tất nhiên, để thực hiện được điều này thì đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không bị mua chuộc bởi tiền bạc, vật chất.
Tiếp đến là nói phải đi đôi với làm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự thống nhất giữa lời nói với việc làm, coi đó là một trong nguyên tắc cơ bản của đạo đức cách mạng và bản thân Người là tấm gương sáng ngời về nói đi đôi với làm.
Và quan trọng hơn, mỗi cá nhân đừng tham - sân - si, hãy chọn cuộc sống giản dị, biết buông bỏ. Bởi, cuộc sống hiện tại có nhiều cám dỗ, mà cứ chạy theo áp lực, ham hố tiền tài, địa vị… thì rất dễ sa ngã.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận