Học sinh tăng cường ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi Quốc gia 2015 |
Trường chủ động nhưng vẫn chờ... Bộ
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Hoan, Trưởng phòng THPT (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, hiện Sở vẫn đang chờ Bộ GD&ĐT công bố chính thức quy chế tuyển sinh thì mới có hướng dẫn cụ thể lịch ôn tập về các trường. Tuy nhiên, hiện nhiều trường đã chủ động phát phiếu khảo sát, đăng ký lựa chọn môn học để thi tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH cho học sinh, từ đó lên kế hoạch ôn tập chuẩn bị kỳ thi Quốc gia năm 2015.
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), trường đã “bám” vào dự thảo quy chế tuyển sinh 2015 của Bộ để tổ chức rà soát, khảo sát các môn tự chọn nhằm định hướng và lên kế hoạch ôn tập cho học sinh. Trường cũng đã khảo sát tổng số 350 học sinh lớp 12 của trường, kết quả chủ yếu học sinh lựa chọn xét tuyển khối D (63,81%), tiếp đến là A1 (13,97%).
"Kỳ thi tốt nghiệp THPT giải quyết hai nhiệm vụ xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH-CĐ nên sẽ không xếp loại tốt nghiệp. Các Sở GD&ĐT có nhiệm vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh dự thi. Công thức xét điểm tốt nghiệp vẫn dựa vào 50% điểm thi tốt nghiệp và 50% dựa vào kết quả học tập của lớp 12”. Ông Trần Văn Nghĩa |
Ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh cho biết, Ban giám hiệu nhà trường đã so sánh, phân tích sự thay đổi hai kỳ thi tốt nghiệp THPT cũ và mới, rồi tổ chức khảo sát ban đầu, cho học sinh đăng ký môn học tự chọn dùng cho thi tốt nghiệp và môn để xét tuyển vào ĐH.
Từ đó, nhà trường lên kế hoạch tổ chức dạy cho phù hợp và hiệu quả nhất. Ví như, những em chọn môn Ngữ văn vừa để thi tốt nghiệp, vừa thi ĐH thì được dạy nâng cao.
Các môn học nâng cao được bố trí ngoài giờ, tuần học 2 buổi/ môn trong thời gian 90 phút. Còn những em không chọn môn Ngữ văn để thi ĐH thì chỉ cần học theo chương trình chính khóa.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tùng Lâm, kết quả khảo sát này mới chỉ là tạm thời và sẽ còn nhiều thay đổi do Bộ GD&ĐT chưa chính thức công bố quy chế tuyển sinh 2015 và các trường ĐH-CĐ cũng chưa chốt lại các môn tuyển sinh. “Khi nào Bộ có những thông báo chính thức, trường mới chốt đăng ký các môn tự chọn cho học sinh và rốt ráo tổ chức ôn tập”, ông Lâm nói.
Không nên mạo hiểm chọn thi nhiều môn
Em Nguyễn Việt Khôi (học sinh lớp 12 Trường THPT Tây Hồ) cho biết: “Em học khá đều các môn, có thể đợt tới sẽ đăng ký nhiều môn tự chọn, hy vọng sẽ có nhiều cơ hội để vào ĐH”. Theo Khôi, nhiều bạn trong lớp cũng có suy nghĩ như em.
Tuy nhiên, theo ông Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, giáo viên cần tư vấn, định hướng, giúp học sinh chọn môn thi phù hợp với năng lực bản thân. “Các em cần phải thận trọng, không nên mạo hiểm khi chọn quá nhiều môn thi. Việc ôm đồm quá nhiều môn sẽ bị phân tán thời gian ôn tập, hiệu quả sẽ không cao”, ông Cương cho biết.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng cho rằng, các thí sinh nên chọn môn phù hợp với sở trường, tập trung một số ít môn nhưng ôn tập thật tốt để có kết quả cao. “Nếu các em chọn nhiều môn, cơ hội xét tuyển nhiều nhưng cơ hội trúng tuyển chưa chắc đã cao. Thí sinh nên lựa chọn môn mình chắc nhất để đăng ký”, ông Ga khuyến cáo.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, đến đầu tháng 2/2015, Bộ sẽ chính thức công bố quy chế tuyển sinh. Trong khi chờ quy chế này, nhiều trường CĐ-ĐH đã công bố kế hoạch tuyển sinh trên website của trường, trong đó có nhiều chỉnh sửa. Chính vì vậy, các thí sinh cần thường xuyên cập nhật để tránh nhầm lẫn trong quá trình làm hồ sơ đăng ký dự thi.
Vũ Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận