Theo báo Sputnik, tại cuộc đàm phán diễn ra ở Vienna, các chuyên gia quân sự Mỹ đã thảo luận với các đồng nghiệp Nga về học thuyết ngăn chặn hạt nhân mới của Liên bang Nga.
Đây là thông tin được Phó chỉ huy Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ Thomas Bussiere chia sẻ với cánh báo chí.
"Chúng tôi có cơ hội trao đổi ngắn gọn với đoàn tướng lĩnh Nga những câu hỏi và băn khoăn của Hoa Kỳ, tìm hiểu rõ những khía cạnh của học thuyết này, bản học thuyết mới được công bố ngày 2/6", - ông Bussiere nói.
Theo ông Bussiere, Mỹ cũng có ý muốn thảo luận không chỉ riêng về tầm quan trọng của học thuyết này để tránh những diễn giải không chính xác, mà còn thảo luận về vũ khí hạt nhân phi chiến lược, loại vũ khí mà hiệp ước START-3 không quy định.
"Chúng tôi đã nhất trí rằng tiến về phía trước sẽ là cơ hội tuyệt vời để Hoa Kỳ và Nga có được sự hiểu biết sâu rộng và sâu sắc hơn về bản chất học thuyết của họ, về việc vũ khí hạt nhân phi chiến lược, loại vũ khí chưa được quy định trong hiệp ước, dung hợp thế nào với học thuyết này", - ông Bussiere nhấn mạnh.
Đầu tháng 6 này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về "Các nguyên tắc cơ bản của chính sách quốc gia Liên bang Nga trong lĩnh vực ngăn chặn hạt nhân".
Tài liệu này quy định các điều kiện theo đó Nga dành cho mình quyền tấn công hạt nhân, đồng thời mô tả những mối đe dọa chính đối với Nga trong lĩnh vực ngăn chặn hạt nhân.
Học thuyết mới của Nga ngụ ý rằng Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả hành động tấn công nhằm vào đồng minh của mình bằng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc trong trường hợp xâm lược bằng vũ khí thông thường, nếu sự tồn vong của nhà nước Nga bị đe dọa.
Sau đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nói rằng tài liệu này “thể hiện rất rõ ràng điều gì có thể buộc Nga phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh rằng Nga không phải và sẽ không bao giờ là người đầu tiên khởi xướng việc sử dụng vũ khí hạt nhân”.
Video xem thêm:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận