Cậu bé mồ côi Lê Văn Quốc Cường và bà ngoại đã 76 tuổi trong căn nhà cấp 4 ở phường Đông Giang, TP Đông Hà (Quảng Trị) |
Mồ côi mẹ, cha bị câm, sống bám víu vào bà ngoại trong cảnh túng thiếu, không có máy tính… nhưng cậu học trò Lê Văn Quốc Cường (lớp 10, trường THPT Phan Chu Trinh, TP Đông Hà) vẫn đạt kỳ tích khi ẵm giải Nhất cuộc thi “Giao thông học đường” tỉnh Quảng Trị, năm học 2015 - 2016.
Cường đang sống với bà ngoại Phan Thị Trò (76 tuổi) trong căn nhà nhỏ ở phường Đông Giang (TP Đông Hà), cách ngôi trường đang học gần chục cây số, cụ Trò tâm sự: Nhìn nó lớn lên mà tội nghiệp, thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa. Bố bị, mẹ nó sinh thằng Cường được 9 tháng thì mang thai đứa thứ hai mà không biết. Đẻ đứa thứ hai, do yếu và kiệt sức, mẹ nó qua đời. “O của Cường nuôi đứa thứ 2, còn tui chăm sóc thằng Cường”, cụ Trò kể.
Cuộc sống của hai bà cháu bám víu vào ít cây cối, rau màu trong vườn cùng 1,4 sào ruộng. Ngày thường còn có cái ăn, đến dịp đầu năm học mới, bà Trò đôi mắt thầm quầng, mất ngủ chạy vạy đủ nơi, vay mượn tiền cho cháu đóng học phí, sắm quần áo, sách vở… “Ngày nhận tin nó vào lớp 10, tui mừng phát khóc nhưng rồi sợ lắm, tiền đâu cho cháu ăn học. Tui vay hàng xóm cho cháu vào lớp. Thấy nó đi chiếc xe đạp cọc cạch, nhà lại xa, nên tôi “liều” mượn thêm tiền sắm cho nó một chiếc xe”, bà Trò nói.
Khó khăn nhưng Cường luôn vươn lên trong học tập. Ngoài các môn học ở trường, cậu học trò nghèo luôn mày mò tìm hiểu các kiến thức về giao thông. Năm lớp 10, hưởng ứng cuộc thi “Giao thông học đường” do Ủy ban ATGT Quốc gia và Công ty CP Trò chơi giáo dục trực tuyến E Game tổ chức tại các trường THPT trên toàn quốc, Cường ngày ngày tìm hiểu, trau dồi kiến thức. “Các bài học về ATGT đã được dạy từ cấp II nên em không quá khó khăn về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, áp lực lớn nhất là trang thiết bị phụ trợ. Đây là cuộc thi online đầu tiên trên máy tính nên em không thể tự học ở nhà được”, Cường kể. Tranh thủ những giờ tan học, cậu học trò nghèo chạy đến phòng máy vi tính của nhà trường tự học các thao tác, quy trình thi, học thuộc bộ tài liệu lý thuyết thi sát hạch lái xe hạng A1 để có thể trả lời nhanh nhất các câu hỏi.
Một giáo viên trường THPT Phan Chu Trinh kể, lúc Cường đăng ký thi, ai cũng sợ em khó có thành tích vì nhà không có máy tính riêng như các bạn khác. Nhưng tại cuộc thi “Giao thông học đường” tỉnh Quảng Trị năm học 2015 - 2016, Cường khiến cả phòng thi ngạc nhiên khi trả lời nhanh, chính xác nhất các câu hỏi online và là học sinh duy nhất của Quảng Trị ra Hà Nội tham gia vòng thi chung kết. Ngày tiễn cháu ra Hà Nội dự thi, cụ Trò cùng cả nhà góp từng tờ 50 - 100 nghìn đồng ủng hộ đứa cháu hiếu học với tổng số tiền chưa đến 500 nghìn đồng. “Cầm tiền cả nhà mà cháu khóc và dặn mình phải quyết tâm hơn nữa”, Cường nói.
“Em thấy ý nghĩa cuộc thi thiết thực, góp phần nâng cao kiến thức, nhận thức chấp hành quy định pháp luật giao thông. Cùng với các bạn thí sinh khác, em muốn kêu gọi mọi người chung tay thực hiện văn hóa khi tham gia giao thông, chấp hành đúng quy định giao thông để đem lại sự an toàn, niềm vui, hạnh phúc. Em cũng rất bất ngờ khi mình đoạt giải Nhất tỉnh.
Đến giờ em vẫn chưa quên cảm xúc này”, Cường bộc bạch. Không đoạt giả cao tại cuộc thi chung kết, nhưng điều Cường làm ban giám khảo, thí sinh xúc động tại phần thi hùng biện về câu chuyện được bà ngoại mua cho chiếc xe đạp điện, em chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc tham gia giao thông bằng xe đạp điện sao cho đảm bảo ATGT.
Nói về cháu mình, giọng cụ Trò tự hào: “Tui luôn dặn cháu cuộc sống có nghèo cũng phải sống có ích, gắng học hành. Chỉ mong cháu sớm có được cái máy tính để phục vụ việc học hành như tâm huyết bao lâu nay”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Trị cho biết, Cường đã vượt qua 23.891 lượt học sinh tham gia cuộc thi “Giao thông học đường” tỉnh Quảng Trị để giành giải Nhất và là học sinh duy nhất của tỉnh được tiếp tục ra Hà Nội tham gia chung kết. Cuộc thi “Giao thông học đường” toàn quốc lần thứ I, năm học 2015 - 2016 triển khai sâu rộng tại 63 tỉnh, thành phố với sự tham gia của gần 200.000 học sinh từ hơn 3.000 trường THPT trên toàn quốc với ba vòng thi kịch tính: Cấp trường, cấp tỉnh/thành phố và cấp toàn quốc. Lê Văn Quốc Cường cùng 40 học sinh đại diện cho 38 tỉnh và thành phố lọt vào vòng chung khảo toàn quốc. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận