Cơ hội ứng dụng công nghệ
Để phòng dịch Covid-19, Tổng cục Đường bộ VN cho phép các cơ sở đào tạo lái xe ô tô dạy trực tuyến môn lý thuyết cấp GPLX.
Chia sẻ với Báo Giao thông sau khi Tổng cục Đường bộ VN cho phép đào tạo trực tuyến môn lý thuyết cấp GPLX, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe Lạc Hồng (Hà Nội) cho biết, việc này sẽ tạo thuận lợi cho người học. Học viên có thể học ở bất kỳ đâu nếu có hạ tầng công nghệ. Trung tâm đang chuẩn bị hạ tầng công nghệ để thông báo chính thức đến học viên.
“Lần đầu thực hiện nên chúng tôi cũng gặp một số khó khăn như: Chưa có quy trình và kinh nghiệm về đào tạo trực tuyến; học liệu điện tử còn hạn chế; việc kiểm soát về chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá cũng phức tạp hơn”, ông Dũng nói.
Về phía học viên, ông Dũng cho rằng, cũng gặp khó khăn về thiết bị, hạ tầng internet, bởi không phải ai cũng có điều kiện tiếp xúc, sử dụng công nghệ. Đề cập đến lo ngại về chất lượng của hình thức đào tạo này, ông Dũng cho rằng, đây chỉ là dạy học và kiểm tra kết thúc môn học bằng hình thức trực tuyến.
“Quá trình học và làm bài kiểm tra kết thúc môn bằng hình thức trực tuyến, có thể có trường hợp học viên gian dối, nhờ người khác làm hộ, hay nhờ người khác ngồi ngoài hỗ trợ. Tuy nhiên, đến khi thi tốt nghiệp phần lý thuyết sẽ tập trung thi trực tiếp. Nếu học viên nào học không tốt sẽ khó qua được. Nếu không đỗ tốt nghiệp sẽ không được dự thi sát hạch. Không nên quản quá trình học của học viên mà nên tập trung quản chặt chất lượng đầu ra. Nếu tổ chức thi tốt, chặt chẽ, nghiêm minh, học viên không học thì không đỗ được”, ông Dũng nêu vấn đề.
Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐQT Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) cho rằng, với các môn lý thuyết lái xe thì giáo viên cũng thuận tiện giải đáp những thắc mắc của học viên. “Thời gian học trực tuyến sẽ linh hoạt, học viên được cung cấp nguồn tài liệu mở hấp dẫn như: Video các tình huống thực tế với từng bài học hay chủ đề. Chúng tôi xác định đây là cơ hội đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đào tạo. Đây là hướng đi và giải pháp lâu dài trong thời đại công nghệ 4.0”, ông Toản nói.
TS. Phan Lê Bình, giảng viên Trường Đại học Việt - Nhật cho rằng, đào tạo và kiểm tra bằng hình thức trực tuyến, người học có thể gian lận. Trong quá trình thi học viên có thể nhờ người thạo luật ngồi cạnh để gà bài, thậm chí gửi số báo danh mật khẩu cho người khác làm hộ. “Tuy nhiên, đến khi thi tập trung nếu kiểm soát tốt sẽ khó xảy ra gian lận. Thậm chí, cũng cần tính đến việc chính cơ sở đào tạo dễ dãi với học viên. Về lâu dài không nên quản đào tạo, nhưng sát hạch đầu ra phải chặt, có thể không cho phép người của trung tâm đào tạo tham gia vào hội đồng sát hạch”, TS. Bình nói.
Hậu kiểm để đảm bảo chất lượng
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, đào tạo trực tuyến là biện pháp phù hợp trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19. Trước mắt, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải có đủ các điều kiện về hạ tầng công nghệ mới được đào tạo trực tuyến để đảm bảo chất lượng. “Việc đào tạo trực tuyến sẽ theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH. Tổng cục đã yêu cầu các Sở GTVT chỉ đạo các trung tâm đào tạo lái xe xây dựng phương án tổ chức đào tạo và báo cáo Sở GTVT theo dõi, giám sát được mới được phép đào tạo”, vị lãnh đạo này cho biết.
Các câu hỏi thi lý thuyết lái xe không phải là những kiến thức cao siêu, học viên chỉ cần chăm chỉ học, nắm được luật là có thể thi đỗ. Các môn lý thuyết có thể học từ xa, ban đầu thầy có thể chưa biết cách hướng dẫn học trò, nhưng khi đã thành nếp, kỹ năng của giáo viên sẽ được nâng cao. Nên coi đây là xu hướng để đào tạo trong điều kiện công nghệ phát triển. Sẽ đỡ tốn kém cho cả nhà nước và người học”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe Lạc Hồng (Hà Nội)
“Cơ sở đào tạo phải xây dựng phương án đào tạo, cơ sở vật chất, phương án dạy, thời gian học và phương án kiểm soát học viên. Sau đó, cơ sở đào tạo phải báo cáo phương án đào tạo với sở GTVT. Chỉ khi nào phương án đào tạo trực tuyến do cơ sở đào tạo xây dựng mà sở GTVT kiểm soát được mới cho phép đào tạo. Bên cạnh đó, các trung tâm phải lưu trữ các dữ liệu về giám sát thời gian, nội dung, người học, bài kiểm tra để phục vụ hậu kiểm, xử lý theo quy định”, lãnh đạo Vụ Phương tiện và người lái cho hay.
Trả lời câu hỏi của PV có nên coi việc đào tạo trực tuyến là xu thế và tới đây bắt buộc các trung tâm phải thực hiện, vị lãnh đạo này khẳng định, nếu cần thiết sẽ áp dụng. Tuy nhiên, thời lượng đào tạo môn học lý thuyết lái xe ngắn hơn thời lượng đào tạo thực hành rất nhiều. Quá trình đào tạo cấp GPLX bao gồm lý thuyết và thực hành, phải kiểm tra cấp chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo mới được tuyển sinh khóa mới. Nếu đào tạo xong lý thuyết mà học viên chưa học xong thực hành, trung tâm không kết thúc được khóa học cũng không giải quyết được vấn đề.
Ở góc độ khác, TS. Phan Lê Bình cho rằng, không nên đào tạo 100% chương trình bằng hình thức trực tuyến mà có thể lồng ghép và kết hợp giữa học trực tuyến và tập trung để đảm bảo chất lượng. “Đơn cử, thời gian học lý thuyết hạng B2 theo quy định là 168 giờ. Chương trình học có thể dành phần lớn thời lượng để dạy trực tuyến, nhưng một số quy định quan trọng như: Sử dụng rượu bia khi lái xe hay các quy tắc giao thông cho hành vi lái xe an toàn… bắt buộc người lái xe phải nắm được thì nên có 1 - 2 buổi học tập trung”, TS. Bình phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận