Y tế

Hội chứng sương mù não kéo dài bao lâu sau khi mắc Covid-19?

11/03/2022, 10:00

Một số người khi khỏi COVID-19 phải vật lộn với chứng mất trí nhớ ngắn hạn, các vấn đề tập trung và nhiều triệu chứng nhận thức khác.

Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 9/2021 trên tạp chí Plos Medicine, nhiều người bị nhiễm COVID-19 hồi phục sức khỏe không để lại hậu quả gì. Thế nhưng, cứ 3 người thì có 1 người sau đó vài tuần, vài tháng xuất hiện một vài triệu chứng khác nhau. Tình trạng này thường được gọi là “COVID kéo dài”, có thể gây suy nhược cơ thể trong thời gian dài.

Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ dữ liệu về việc liệu biến thể Omicron để lại hậu quả nghiêm trọng ít hơn so với biến thể Delta hay không. Các chuyên gia về sức khỏe cộng đồng cảm thấy rằng, có lý do để mọi người phải lo lắng về điều này.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), một trong những vấn đề phổ biến nhất và gây rắc rối lớn sau khi bị “COVID kéo dài” chính là việc suy giảm nhận thức, hay còn gọi là hội chứng sương mù não. Các triệu chứng của “COVID kéo dài” bao gồm kiệt sức, khó thở, đau đầu, khó ngủ, ho, choáng váng, thay đổi vị giác và khứu giác.

Hội chứng sương mù não là gì?

Sương mù não không phải là một thuật ngữ chuyên môn, đó là cách viết tắt để mô tả tình trạng suy nghĩ chậm chạp. Mỗi người có một số vấn đề khác nhau như lú lẫn, mất trí nhớ, khó nhớ từ, suy nghĩ chậm chạp, dễ mất tập trung.

img

Fiona Lowenstein ở New York, người từng mắc COVID-19 nghiêm trọng tới mức phải nhập viện vào tháng 3/2020. Sau khi điều trị khỏi COVID-19, cô tiếp tục đối mặt với hội chứng sương mù não kéo dài. Những vấn đề cô đang mắc phải cũng là tình trạng chung của hơn 11.000 người trong nhóm Body Politic do cô lập ra. Cô nói rằng, các vấn đề về trí nhớ ngắn hạn đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của mình.

Những người khác trong nhóm Body Politic cũng có những phàn nàn tương tự rằng, sương mù não ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc của họ. Một số người phải vật lộn với nó để duy trì năng suất, trong khi số khác buộc phải bỏ việc vì không thể làm việc một cách hiệu quả.

Nhiều người bị ảnh hưởng bởi chứng sương mù não

Các chuyên gia bắt đầu tìm hiểu về mức độ phổ biến của chứng sương mù não, và những con số ghi nhận được rất đáng kinh ngạc.

Trong cuộc khảo sát được công bố vào tháng 7/2021 trên tạp chí The Lancet’s Eclinical Medicine, với sự tham gia của 3.762 người mắc COVID-19, 85% trong số đó có những triệu chứng liên quan tới hội chứng sương mù não.

img

Khi các nhà nghiên cứu phân tích kết quả của một bài kiểm tra trí thông minh được thực hiện cho hơn 81.000 người. Họ phát hiện ra rằng, những người tham gia khỏi COVID-19 có kết quả kiểm tra kém hơn những người chưa mắc COVID-19. Kết quả kiểm tra kém tương quan với mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 7/2021 trên Journal of the Neurological Sciences (tạp chí Khoa học Thần kinh) cho thấy, trong số những người nhập viện vì COVID-19, một nửa số bệnh nhân bị giảm khả năng suy nghĩ và khó thực hiện các hoạt động hằng ngày sau 6 tháng kể từ lúc xuất viện.

Mặc dù ai cũng biết rằng, người lớn tuổi dễ bị suy giảm nhận thức sau khi mắc bệnh hiểm nghèo. Nhưng nghiên cứu cho thấy rằng, đối với COVID-19, những bệnh nhân trẻ tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh tương tự.

Ngoài ra, một nghiên cứu được báo cáo trên tạp chí JAMA Network Open vào tháng 10/2021 cho thấy, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra chức năng thần kinh ở một nhóm bệnh nhân trẻ (38 - 59 tuổi) vài tháng sau khi được điều trị COVID-19. Họ nhận thấy rằng, có tới 24% người tiếp tục gặp một số khó khăn về nhận thức, bao gồm các vấn đề về trí nhớ, khả năng phân tích, tốc độ xử lý thông tin.

Nguyên nhân gây ra hội chứng sương mù não

Serena Spudich, giáo sư thần kinh học tại Trường Y Đại học Yale tin rằng, nguyên nhân gây ra chứng sương mù não có thể liên quan tới tình trạng viêm do phản ứng miễn dịch của cơ thể tạo ra hơn là do virus.

Giáo sư Spudich, cho biết, khi phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức, cơ thể bắt đầu tạo ra các kháng thể tự tấn công (còn được gọi là tự kháng thể), gây ra các triệu chứng khác của COVID-19 bao gồm những vấn đề về đường hô hấp.

img

Ngoài ra, giáo sư Spudich cũng chỉ ra các bệnh nhiễm virus như HIV/AIDS khiến hệ thống miễn dịch mất kiểm soát trong một số trường hợp có thể dẫn tới viêm não, làm suy giảm tinh thần.

“Nếu phản ứng miễn dịch là nguyên nhân gây ra sương mù não, có thể tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể sẽ lan rộng đến não. Hoặc có thể các tế bào miễn dịch đi vào não để đuổi một ít virus ở đó”, giáo sư Spudich nói và lưu ý rằng, tất cả những điều này hiện chỉ là phỏng đoán.

Tuy nhiên, có một số nghiên cứu hỗ trợ phỏng đoán này. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Brain, Behavior and Immunity vào tháng 3/2021 cho biết, các nhà nghiên cứu tìm thấy các tự kháng thể trong dịch não tủy của bệnh nhân mắc COVID-19 có các triệu chứng thần kinh.

Cách điều trị hoặc cải thiện chứng sương mù não

Giáo sư Spudich cho biết, khi bệnh nhân phàn nàn về chứng sương mù não, bước đầu tiên cần phải khám sức khỏe toàn diện để loại trừ các nguyên nhân y tế khác, chẳng hạn như đột quỵ, các vấn đề về giấc ngủ. Sau đó, bệnh nhân có thể được bác sĩ chuyển sang khoa phục hồi nhận thức.

img

Jennifer Wethe, tiến sĩ và là nhà tâm lý học thần kinh tại Phòng khám Mayo Arizona giải thích: “Phục hồi nhận thức giống như liệu pháp vật lý nhưng nó dành cho não”.

“Các bước đầu tiên là các bài kiểm tra viết, nói, thường do bác sĩ tâm thần kinh tiến hành để xác định các vấn đề cụ thể. Sau đó, phục hồi chức năng sẽ tập trung vào các bài tập để cải thiện một số chức năng nhất định như khả năng tập trung hoặc trí nhớ”, tiến sĩ Wethe nói.

Cuối cùng, tiến sĩ Wethe nói rằng, việc phục hồi nhận thức cần thời gian dài để luyện tập, nó có thể cải thiện tình trạng của những người bị chấn thương sọ não, đột quỵ, chấn động mạnh. Nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác nhau được đào tạo về loại liệu pháp này, bao gồm nhà trị liệu tâm lý, nhà trị liệu ngôn ngữ, nhà vật lý trị liệu…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.