Toàn cảnh đổ bê tông lối vào nhà ga F2.
Sáng 5/2 (tức 24 tháng Chạp), trước khi kết thúc ngày làm việc cuối cùng kỳ nghỉ Tết Âm lịch, PV ghi nhận không khí làm việc của các kỹ sư, công nhân trên công trường nhà ga Bến Thành thuộc tuyến metro số 1.
Phía trên mặt đường chỉ có tiếng nhạc của xe cẩu rất vui tai, đi sâu xuống lòng đất bên dưới là một đại công trình đang gấp rút hoàn thành đúng tiến độ.
Tiếp chúng tôi, kỹ sư Hoàng Phúc Thịnh, Giám đốc Ban điều hành Cienco4 cho biết, chiều nay anh em công nhân sẽ làm việc buổi cuối cùng và về quê ăn Tết, năm nay công trường sẽ nghỉ từ ngày 25 tháng Chạp đến mùng 8 Âm lịch.
"Dịch bệnh ảnh hưởng tới tiến độ công việc chung của dự án. Tuy nhiên, Ban Giám đốc cũng cố gắng lo cho anh em đầy đủ các chế độ lương, thưởng để có cái Tết cùng gia đình", anh Thịnh chia sẻ.
Theo anh Thịnh, đến nay nhà ga Bến Thành đạt được hơn 84% tiến độ thi công, hoàn thành cam kết với chủ đầu tư trong năm 2020 và năm 2021 sẽ hoàn thiện công trình như cam kết.
"Để đảm bảo tiến độ làm việc đến cận Tết, chúng tôi phải huy động hơn 1.000 cán bộ, kỹ sư và công nhân làm việc. Mỗi ngày có từ 500-700 công nhân làm việc tại nhà ga Bến Thành", anh Thịnh nói.
Công trường chia ra 2 ca làm việc, từ 5h sáng đến 17h chiều, ca đêm từ 17h chiều đến 5h sáng hôm sau.
Tiếng máy khoan, tiếng nhạc phát từ những chiếc xe cẩu đang di chuyển (như một loại nhạc hiệu) lên rồi cả tiếng hàn xì, tất cả tạo ra một không khí làm việc tất bật.
Anh Đặng Quốc Vui (30 tuổi), công nhân hàn xì chia sẻ: "Dịch Covid rất đáng lo ngại, nhưng xa nhà lâu ngày nên ai cũng muốn về quê ăn Tết cùng người thân. Tuy vậy chúng tôi sẽ phải thực hiện quy định an toàn phòng chống dịch bệnh".
Công nhân Đặng Quốc Vui 30 tuổi (quê Nghệ An) miệt mài hàn các ống thép.
Nhà ga Trung tâm Bến Thành được thiết kế ngầm dài 236m, rộng 60m, độ sâu khoảng 32m với quy mô 4 tầng bao gồm các khu vực và phòng cần thiết để vận hành nhà ga.Nhà ga này có tổng 6 lối lên xuống.
Cùng với ga Nhà hát Thành phố, ga Ba Son, Nhà Ga trung tâm Bến Thành là một trong ba ga ngầm của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Trong đó Ga ngầm trung tâm có vị trí gắn kết với chợ Bến Thành, thuận tiện cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Ga Bến Thành có vai trò kết nối lộ trình, là điểm trung chuyển cho các tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), metro số 3A (Bến Thành - Tân Kiên) và metro số 4 (Thạnh Xuân - khu đô thị Hiệp Phước).
Hình ảnh PV ghi nhận không khí làm việc những ngày cận Tết:
Ga Bến Thành nhìn từ đầu tuyến. Nhà ga nằm tại khu vực trung tâm thành phố có vai trò quan trọng trong việc kết nối chợ Bến Thành với các kiến trúc xung quanh, được kỳ vọng là 1 trong những biểu tượng mới của TP.HCM trong tương lai.
Công nhân đang đắp trả cát tái lập vị trí lối vào F6.
Đổ bê tông sàn trung gian B1L, B10 khối lượng 1.800m3.
Công nhân đang lu lèn cát khi đắp trả.
Chị Nguyễn Út (quê Bạc Liêu) đang nhặt những sợi thép thừa tại công trường.
Ông Takashi Date, Giám đốc thi công, đang nghe cuộc điện thoại từ đường dây khẩn cấp báo cáo lên Ban chỉ huy có sự cố dưới hầm nhà ga (diễn tập các tình huống an toàn lao động).
Ban chỉ huy chỉ đạo các bộ phận phát loa cảnh báo, cứu hỏa, sơ tán toàn bộ công nhân dưới hầm lên, điểm danh kiểm tra quân số.
Đại diện nhà thầu, ông Susumu YANASE, Giám đốc dự án trong buổi diễn tập cứu nạn dưới tầng hầm nhà ga Bến Thành.
Gần 1.000 cán bộ, công nhân ga Bến Thành tham gia diễn tập sơ tán khẩn cấp khi có hỏa hoạn dưới tầng hầm nhà ga Bến Thành (tuyến metro số 1).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận