Nhiều hạng mục quan trọng hoàn thành trong năm 2024
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Chí Cường - Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết: Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã phê duyệt và thu hồi hơn 763 ha trên tổng số /791ha đất cần thu hồi, đạt 96,54%.
"Các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất ở. Riêng các huyện Sóc Sơn và huyện Thường Tín đã hoàn thành phê duyệt phương án đất ở", ông Cường cho hay.
Về việc thi công trên công trường, ông Cường cho hay, hiện tại, các nhà thầu đang đồng loạt triển khai 32 mũi thi công tại Dự án thành phần 2.1 đường song hành.
Thông tin thêm, ông Cường cho hay, Hà Nội phấn đấu hoàn thành các khu tái định cư trong quý III/2024; Hoàn thành di chuyển các hạng mục hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi (điện trung, hạ thế, hệ thống thông tin, cấp nước và các hạng mục khác) trong quý II/2024; Cơ bản hoàn thành di chuyển tuyến đường dây điện cao thế từ 110KV đến 500KV trên toàn tuyến trong quý III/2024.
Cũng theo Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, dự án thành phần 3 đường cao tốc (dự án PPP) dự kiến được khởi công vào đầu quý IV/2024. Toàn tuyến đường song hành dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Công nhân đội nắng, thi công xuyên lễ
Để đảm bảo tiến độ triển khai dự án đặc biệt quan trọng này, ông Cường cho biết: Những ngày này, khi người dân cả nước đang trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, toàn bộ các gói thầu vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo tiến độ.
Có mặt tại gói thầu số 9, ghi nhận của PV Báo Giao thông, hàng trăm công nhân vẫn miệt mài làm việc bất chấp cái nắng như đổ lửa đầu hè. Ông Nguyễn Hoàng Hải - Chỉ huy trưởng cho biết: Gói thầu số 9 dài 23km đi qua 2 huyện là Đan Phượng và Hòa Đức của TP Hà Nội. Những ngày nghỉ lễ, đơn vị vẫn duy trì 23 mũi thi công các hạng mục đường, cầu và xử lý đất yếu.
"Cơ bản chúng tôi vẫn đang đáp ứng tốt tiến độ đã cam kết với chủ đầu tư. Để đạt được tiến độ đề ra, đơn vị huy động hơn 200 máy móc cùng với 300 cán bộ, công nhân thi công 3 ca liên tục mỗi ngày", ông Hải nói và cho biết thêm: Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhà thầu tận dụng thời tiết thuận lợi để thi công không nghỉ. Để động viên anh em công nhân kỹ sư, đơn vị tổ chức nghỉ nửa ngày liên hoan tại công trường.
Cũng theo ông Hải, hiện dự án vẫn còn gặp một số khó khăn về giải phóng mặt bằng các công trình ngầm, nổi chủ yếu là đường dây điện cao thế và ống nước sạch. Mặt bằng xôi đỗ gây khó khăn trong công tác thi công đồng loạt.
"Tiến độ năm 2024, nhà thầu sẽ hoàn thành 100% nền đường và công trình cầu nếu không vướng mặt bằng. Còn công tác xử lý nền đất yếu sẽ hoàn thành trong tháng 6/2024" - ông Hải thông tin.
Tại gói thầu số 10, ông Mai Thế Khang - Phó Chỉ huy công trường cho biết đang thi công 5 mũi trên toàn gói thầu.
"Hiện nay, đơn vị đã thi công vượt tiến độ cam kết với chủ đầu tư. Những ngày này, đơn vị vẫn huy động 100% máy móc cùng với cán bộ kỹ sư, công nhân thi công xuyên kỳ nghỉ lễ", ông Khang nói.
Một công nhân thi công dự án đường Vành đai 4 quê ở Hoà Bình chia sẻ: "Thời tiết những ngày này rất thuận lợi trong khi đó tiến độ công trường luôn ở trạng thái phải khẩn trương nên anh em động viên nhau ở lại làm việc. Cũng nhớ gia đình vì tôi đi từ Tết chưa về nhà nhưng đặc thù của công trường vốn vậy nên cũng dần quen".
Theo công nhân này, những ngày nắng nóng, họ thường làm từ 6h sáng và đến khoảng trước 11h thì nghỉ. Buổi chiều cũng chờ tới lúc trời bớt nắng, anh em mới làm hoặc tăng ca vào ban đêm để chống chọi được tiết trời khắc nghiệt thế này.
Nam công nhân Lò Văn Thắm (19 tuổi) kể, khi nhận thông báo từ nhà thầu về việc thi công xuyên lễ 30/4 - 1/5, anh em công nhân đều đồng tình.
"Mọi người ở lại làm việc đều được quan tâm, động viên tinh thần để cố gắng chung sức đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên làm việc ngoài trời dưới nắng nóng như thiêu đốt, người lao động như anh rất nhanh xuống sức. Làm việc được thời gian ngắn, anh em công nhân chúng tôi phải nghỉ giải lao, uống nước để lấy lại sức rồi tiếp tục làm việc" - anh Thắm chia sẻ.
Dự án đường Vành đai 4 - vùng thủ đô có chiều dài toàn tuyến là 112,8km, trong đó đoạn đi qua Hà Nội là 56,5km, Hưng Yên là 20,3km, Bắc Ninh là 21,2 km. Tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, dự án đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín. Để bảo đảm cho người dân sau thu hồi đất ổn định cuộc sống, Hà Nội đã quyết định đầu tư xây dựng 14 khu tái định cư.
Dự án được khởi công vào tháng 6/2023 và dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động vào năm 2027.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận