Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn |
Điểm khác biệt lớn nhất của hình thức này so với trước kia là thời gian bị giới hạn rõ ràng và thu hẹp hơn, bắt buộc người hỏi phải chọn lọc vấn đề chất vấn để hỏi một cách tập trung hơn. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ được chất vấn cũng phải chuẩn bị rất kỹ để phản ứng ngay lập tức với câu hỏi.
Nếu như trước đây nội dung này được “dàn hàng ngang”, dồn 3-5 câu hỏi một lần để Bộ trưởng chuẩn bị, thì khi ĐB hỏi câu thứ 3-5, đã có người chuẩn bị cho Bộ trưởng xong phần trả lời của câu thứ nhất, thứ hai rồi. Tức là có khi Bộ trưởng đã có “phao” sẵn để trả lời. Nhưng với lần thí điểm này, Bộ trưởng không có thời gian chuẩn bị tài liệu mà phải trả lời ngay lập tức câu hỏi được đặt ra. Điểm cải tiến này đặt ra yêu cầu đối với các Bộ trưởng phải có phản ứng nhanh, nhưng đặc biệt qua đó có thể giúp đánh giá chính xác nhất mức độ Bộ trưởng nắm vấn đề trong lĩnh vực mình quản lý đến đâu.
Phần trả lời của hai Bộ trưởng lần này nói chung khá ngắn gọn, các Bộ trưởng đã có sự chuẩn bị khá tốt. Có thể do được rút kinh nghiệm nên phần trả lời của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh diễn ra buổi chiều suôn sẻ hơn. Bộ trưởng trả lời bình tĩnh hơn, trực diện hơn so với Bộ trưởng Lê Thành Long. Nhưng ở buổi sáng, Bộ trưởng Lê Thành Long ngoài trả lời về quan điểm của Chính phủ còn thể hiện quan điểm cá nhân và cam kết trách nhiệm thực hiện. Đó cũng là điểm cần ghi nhận.
Phiên chất vấn có không khí tốt, tranh luận thẳng thắn, có hiệu quả thực sự, gợi mở được nhiều vấn đề. Nhưng để tiến tới áp dụng hình thức này trong các phiên họp Quốc hội, chúng ta cần nghiên cứu kỹ thêm nhiều vấn đề.
Trước hết, ở Quốc hội, số lượng ĐB đông hơn rất nhiều nên tần suất câu hỏi cũng vì thế mà rất cao, đặt ra yêu cầu về việc kiểm soát thời gian làm sao cho tốt đối với cả người hỏi và người trả lời. Bên cạnh đó, chắc chắn vấn đề các ĐBQH đưa ra sẽ nhiều hơn, rộng hơn nên có thể Bộ trưởng không thể nắm hết.
Đặc biệt, với thời gian tranh luận, cần nghiên cứu kéo dài hơn, vì đã gọi là tranh luận thì phải có biện luận, giải thích, đưa vấn đề ra chứng minh, nên cần kéo dài thời gian hơn.
Với một phiên thí điểm chất vấn theo hình thức mới tương đối thuận lợi, cùng với sự nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này, tôi tin chắc chắn trong những phiên họp TVQH hay ở cả Quốc hội, chất lượng của phiên chất vấn nói riêng cũng như các hoạt động của Quốc hội nói riêng sẽ ngày càng được nâng cao hơn nữa.
Lưu Bình Nhưỡng
Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận