Tại Đại hội, ngoài tổng kết và đánh giá thành tựu của bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2018-2022), đại diện của 74 tổ chức thành viên VFF sẽ bỏ phiếu tại đại hội, bầu trực tiếp Chủ tịch, Phó Chủ tịch, BCH VFF nhiệm kỳ tới.
Ông Trần Quốc Tuấn nhiều khả năng sẽ trở thành Chủ tịch VFF khóa IX. Ảnh VFF
Hiện ông Trần Quốc Tuấn, Q.Chủ tịch VFF khóa 8 là ứng viên duy nhất ứng cử chức danh Chủ tịch VFF khóa 9.
Ở vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, cũng chỉ có 1 ứng viên là ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty VPF.
Vị trí Phó Chủ tịch truyền thông có hai ứng viên gồm: Ông Cao Văn Chóng (Phó Chủ tịch truyền thông VFF khóa 8, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bình Dương), ông Nguyễn Xuân Vũ (Chủ tịch CLB bóng đá Phù Đổng).
Tương tự, vị trí Phó Chủ tịch tài chính có hai ứng viên là các ông: Nguyễn Trung Kiên (Tổng Giám đốc Next Media), Lê Văn Thành (Phó Chủ tịch tài chính VFF khóa 8).
Nhìn vào danh sách trên, cuộc đua tại Đại hội VFF khóa 9 chỉ thực sự diễn ra giữa các ứng viên tranh cử ở ghế Phó chủ tịch truyền thông và Phó Chủ tịch tài chính.
Sau một nhiệm kỳ thành công vang dội, giới mộ điệu kỳ vọng nhiệm kỳ tới, bộ máy lãnh đạo VFF tiếp tục giúp bóng đá Việt Nam có những phát triển vượt bậc, đặc biệt là mục tiêu dự World Cup 2026.
Bóng đá Việt Nam làm được gì ở nhiệm kỳ VIII?
Trong nhiệm kỳ VIII, đội tuyển nam quốc gia lần đầu lọt vào đến vòng loại cuối cùng một kỳ World Cup, giành HCV AFF Cup 2018.
Đội tuyển quốc gia nữ lần đầu tiên giành quyền tham dự vòng chung kết FIFA World Cup 2023, ba lần liên tiếp vô địch SEA Games.
Đội tuyển U23 quốc gia hai lần liên tiếp vô địch SEA Games vào các năm 2019, 2022.
Đội tuyển futsal nam lần thứ hai giành quyền tham dự World Cup và xuất sắc lọt vào vòng 1/8.
Tổng thu của VFF trong nhiệm kỳ 8 là hơn 1 nghìn tỷ đồng. Trong số đó, chỉ tính riêng tiền thu từ hoạt động vận động tài trợ đạt 679,4 tỷ đồng, gấp đôi so với nhiệm kỳ 7 (2014 - 2018).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận