Thời sự Quốc tế

Hôm nay Pháp bước vào vòng bầu cử Tổng thống quyết định

24/04/2022, 09:45

Hôm nay (24/4), Pháp bước vào vòng bầu cử quyết định để lựa chọn ông Emmanuel Macron hay bà Marine Le Pen cho vị trí Tổng thống.

Các địa điểm bỏ phiếu sẽ bắt đầu mở từ 8 giờ sáng theo giờ địa phương (tương đương 13 giờ chiều cùng ngày theo giờ VN) và ước tính kết quả sơ bộ đầu tiên có thể có vào lúc 2 giờ sáng ngày 25/4 theo giờ VN.

Các cuộc khảo sát ý kiến gần đây cho thấy, trong hai ứng cử viên là đương kim Tổng thống Emmanuel Macron và đại diện đảng Tập hợp quốc gia Marine Le Pen, ông Macron liên tục dẫn đầu với sự tăng trưởng nhẹ nhưng chắc chắn, còn bà Le Pen không có nhiều sự thay đổi.

Sau màn tranh luận trực tiếp sôi động và kéo dài gần 3 giờ đồng hồ trên truyền hình tối 20/4 giữa hai ứng cử viên, các cuộc thăm dò dư luận tiếp tục cho thấy ưu thế luôn nghiêng về phía ông Macron.

Tuy nhiên, giới quan sát không loại trừ khả năng bà Le Pen giành chiến thắng bất ngờ vì còn rất nhiều cử tri chưa đưa ra quyết định hoặc không chắc chắn có đi bỏ phiếu tại vòng 2 này hay không.

img

Màn tranh luận trực tiếp sôi động và kéo dài gần 3 giờ đồng hồ trên truyền hình giữa đương kim Tổng thống Emmanuel Macron và đại diện đảng Tập hợp quốc gia Marine Le Pen.

Từ đầu chiến dịch tranh cử đến nay, Tổng thống Emmanuel Macron và đại diện đảng Tập hợp quốc gia Marine Le Pen luôn thể hiện lập trường trái ngược từ vấn đề đối nội đến đối ngoại.

Đặc biệt, liên quan đến quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), dù bà Le Pen đã điều chỉnh thái độ có phần mềm mỏng hơn khi khẳng định vẫn muốn nước Pháp là thành viên, song vẫn cho rằng cần cải tổ EU và Ủy ban châu Âu. Bà cũng nhấn mạnh nước Pháp là một cường quốc thế giới chứ không chỉ là cường quốc châu Âu.

Trong khi đó, ông Macron lại đề cao tinh thần hợp tác trong EU, thể hiện rõ qua việc phân bổ vaccine phòng Covid-19 trong các nước châu Âu.

Trong vấn đề Nga – Ukraine, bà Le Pen bày tỏ ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine nhưng phản đối việc áp đặt lệnh hạn chế nhập khẩu năng lượng và khí đốt của Nga. Theo ứng cử viên này, việc ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ không gây ảnh hưởng đến Moscow mà chỉ gây tác động nặng nề đối với người dân Pháp.

Mặt khác, Tổng thống Macron lại nhắm đến mối quan hệ cá nhân có yếu tố Nga của bà Le Pen.

Trong những ngày chạy đua gấp rút trước thềm bầu cử, cả ông Macron và bà Le Pen đều tìm cách thu hút cử tri ủng hộ nhà lãnh đạo cánh tả Jean-Luc Melenchon - người đã bị loại sau vòng 1 cuộc bầu cử.

Khu vực bầu cử của ông Jean-Luc Melenchon được đánh giá có thể tạo bước ngoặt để phân định thắng bại giữa ông Macron và bà Le Pen trong vòng bầu cử thứ hai.

Nếu ông Macron giành chiến thắng, ông sẽ đối mặt với nhiệm kỳ thứ 2 khó khăn hơn nhiều so với nhiệm kỳ 1, gần như sẽ vấp phải luồng ý kiến phản đối kế hoạch tiếp tục cải cách theo hướng ủng hộ doanh nghiệp mà ông Macron đặt ra, bao gồm nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65 tuổi.

Còn nếu bà Le Pen lật ngược tình thế, nữ ứng viên sẽ thay đổi các chính sách đối nội, đối ngoại của đất nước và có thể làm nảy sinh các cuộc biểu tình ngay lập tức. Tác động từ sự thay đổi của bà Le Pen có thể lan ra khắp châu Âu và xa hơn nữa.

Đặc biệt, bất cứ ai chiến thắng, thách thức đầu tiên và lớn nhất với họ sẽ là đưa đảng của mình giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vào tháng 6 tới để đảm bảo đa số ghế trong Quốc hội, từ đó mới có thể hiện thực hoá các quyết sách chính phủ đưa ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.