Sáng nay (3/6), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Tiếp đến Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra tờ trình này.
Sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Tiếp đến, đại diện Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án luật này.
Buổi chiều, Quốc hội nghe, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình bày tờ trình về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Tiếp đến Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Sau đó đại diện Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo tờ trình của Chính phủ, pháp luật hiện hành quy định 3 nhóm đối tượng cảnh vệ, đó là: Nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, nhóm đối tượng cảnh vệ là khu vực trọng yếu và nhóm đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng.
Đối tượng cảnh vệ là con người bao gồm: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương.
Tuy nhiên, qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và tình hình thực tiễn hiện nay, cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Thường trực Ban Bí thư là người phụ trách, chủ trì công việc hằng ngày của Ban Bí thư, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong tổ chức của Đảng, Nhà nước.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là người đứng đầu các cơ quan tư pháp, có vai trò, tác động đối với công tác xét xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế, quyền con người, quyền công dân, đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết phải áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ với các đối tượng trên để bảo đảm tương đồng, thống nhất với lãnh đạo chủ chốt, cấp cao khác trong cùng nhóm. Do đó cần thiết bổ sung 3 chức danh là đối tượng cảnh vệ.
Về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật bổ sung "dao có tính sát thương cao" vào nhóm vũ khí thô sơ, trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.
Đồng thời, quy định vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.
Dự thảo luật cũng bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, nén khí, nén hơi vào nhóm vũ khí quân dụng, trường hợp các loại súng này sử dụng vào mục đích săn bắn thì được xác định là súng săn.
Theo đó, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án đang diễn biến rất phức tạp. Riêng đối tượng sử dụng dao và phương tiện tương tự dao gây án chiếm tỷ lệ cao, phát hiện 16.841 vụ, bắt giữ 26.472 đối tượng (chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng).
Nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc, dao nhọn, dao sắc nhọn có tính sát thương rất cao, gây án với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Thực tế điều tra các vụ án cho thấy, chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác như: Giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không quy định dao là vũ khí.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận