Thêm lựa chọn cho người dân đi lại
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trong ngày đầu tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội vận hành thương mại, từ trước thời điểm đón khách vài giờ, bên dưới các ga đã rất đông người dân háo hức chờ đợi.
Người dân hào hứng trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao trong ngày 8/8. Ảnh: Tạ Hải.
Tại 2 ga đầu cuối là ga Nhổn và ga Cầu Giấy có số lượng người đi tàu nhiều nhất. Tại 6 nhà ga khác dọc tuyến, lượng khách chờ tàu ít hơn.
Thời điểm 8h sáng, ở ga Nhổn, rất đông người dân xếp thành 2 hàng để được phát vé đi tàu. Công tác vận hành được nhân viên nhà ga, lái tàu, nhân viên an ninh… thực hiện thuần thục. Từ khâu bán vé, lên xuống tàu đều được tự động hóa. Phía bên trong các toa tàu luôn chật kín người. Nhiều hành khách phải đứng, song tất cả đều tỏ ra vô cùng hào hứng.
Cụ Nguyễn Văn Tường (92 tuổi, trú Kim Mã, Ba Đình) cùng con trai là ông Nguyễn Văn Phương (60 tuổi) chọn tàu điện trên cao Nhổn – ga Hà Nội làm phương tiện tới thăm nhà người thân ở gần ga Minh Khai. "Nhiều năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài, tôi không còn xa lạ với tàu điện. Nhưng lần này, tôi vẫn có một cảm giác đặc biệt", cụ Tường cho hay.
Bên cạnh việc rất đông người đến để trải nghiệm, rất nhiều hành khách bày tỏ sẽ lựa chọn tàu điện để đi lại hằng ngày. Ông Vũ Công Thanh (63 tuổi, trú huyện Hoài Đức) chia sẻ: "Quãng đường từ Nhổn đến Cầu Giấy dài 8,5km nhưng chỉ mất khoảng 13 phút. Chắc ngày nào tôi cũng qua thăm các con, các cháu đang sinh sống ở Cầu Giấy".
Anh Nguyễn Hữu Quân, cán bộ làm việc trên đường Võ Chí Công (Tây Hồ) bày tỏ: "Sắp tới cơ quan tôi chuyển về đường Phùng Hưng, Hà Đông, nhà tôi lại gần với Đại học Công nghiệp Hà Nội nên tôi dự kiến sẽ đi làm bằng 2 tuyến tàu điện kết nối với xe buýt".
Tương tự, chị Lê Thị Thu Hà (Phạm Hùng, Nam Từ Liêm) chia sẻ: "Tôi thấy rất phù hợp với lộ trình di chuyển đi làm. Di chuyển bằng tàu không chỉ tiết kiệm rất nhiều thời gian mà còn tiết kiệm cả chi phí đi lại và rất an toàn".
Xe buýt kết nối thuận tiện
Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, đoạn tuyến trên cao của tuyến đường sắt đô thị này do Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội quản lý, vận hành. Trong 3 tháng đầu, tuyến sẽ mở từ 5h30, đóng tuyến lúc 22h hằng ngày; giãn cách chạy tàu 10 phút/chuyến.
Giá vé lượt (vé chặng) đi một ga là 8.000 đồng, đi cả tuyến 12.000 đồng. Vé ngày là 24.000 đồng có giá trị trong một ngày và không hạn chế số lượt. Vé tháng loại phổ thông có mức giá 200.000 đồng. Loại ưu tiên đối với học sinh, sinh viên là 100.000 đồng/tháng. Vé tập thể là 140.000 đồng/tháng.
Trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người trên 60 tuổi, người khuyết tật được miễn phí. Đặc biệt, trong 15 ngày đầu khai thác thương mại, toàn bộ hành khách sẽ được phục vụ miễn phí.
Về kết nối giao thông tĩnh và tổ chức giao thông, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với UBND các quận dọc tuyến rà soát, bố trí điểm, bãi đỗ xe, tổ chức giao thông trên tuyến và khu vực các nhà ga.
Ghi nhận của PV cho thấy, hệ thống các tuyến buýt và nhà chờ xe buýt đều kết nối thuận tiện với các ga dọc đường tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội.
Dọc tuyến có 36 tuyến buýt đang hoạt động kết nối. Trong đó, có 33 tuyến trợ giá gồm: Tuyến số 05, 07, 09A, 09B, 13, 16, 20A, 20B, 24, 26, 27, 28, 29, 32, 34, 38, 39, 49, 51, 55A, 55B, 57, 90, 92, 105, 117, 146, 161, 162, 163, E05, 56A, 96 và 3 tuyến không trợ giá: Tuyến số 70A, 70B, 70C.
Ngoài ra, dọc tuyến cũng có 2 điểm trung chuyển khách là Cầu Giấy và Nhổn; có 32 điểm dừng xe buýt (chiều Cầu Giấy - Nhổn 16 điểm; chiều Nhổn - Cầu Giấy 16 điểm).
Ở 8 ga tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội kết nối với điểm dừng xe buýt gần nhất với khoảng cách từ 0-50m, khá thuận tiện cho người dân.
Theo ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội được kết nối với nhau bởi 9 tuyến buýt gồm: Tuyến số 29, 49, 57, 05, 27, 38, 90, 105, 09B.
Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, đoạn tuyến trên cao của tuyến đường sắt đô thị này có 8 nhà ga gồm: Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại học Quốc gia, Chùa Hà, Cầu Giấy. Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội được giao quản lý, vận hành.
Trong 3 tháng đầu vận hành khai thác, tuyến sẽ mở từ 5h30, đóng tuyến lúc 22h hằng ngày; giãn cách chạy tàu 10 phút/chuyến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận