Xã hội

Hơn 3 vạn tấn lưu huỳnh chất đống tại cảng Hải Phòng

16/10/2017, 14:13

Lưu huỳnh chất đống tại cảng Hoàng Diệu vì những yếu tố khách quan, bất khả kháng.

IMG_5340

Khoảng 3 vạn tấn lưu huỳnh đang chất đống tại cảng Hoàng Diệu (Hải Phòng)

 Ngày 16/10 trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Lưu Phương, Phó Giám đốc công ty TNHH Một thành viên cảng Hoàng Diệu  thuộc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng cho biết: Sáng cùng ngày, cảng Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp với công ty Traco (chủ 3 vạn tấn lưu huỳnh) đang lưu giữ tại cảng Hoàng Diệu để xử lý số hàng này. Theo đó, trong khoảng 10 ngày tới toàn bộ số lưu huỳnh lưu giữ tại cảng Hoàng Diệu sẽ được bốc xếp, di chuyển.

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về những núi lưu huỳnh xếp cao tới vài mét tại cảng Hoàng Diệu không được che phủ. Nhiều ý kiến cho rằng việc làm này gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguy cơ cháy, sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới người dân Hải Phòng.

Theo quan sát của PV, tại kho bãi của cảng Hoàng Diệu đang tồn tại 2 bãi chứa lưu huỳnh, mỗi bãi rộng hơn 100m. Các bãi lưu huỳnh này, phía giáp cầu tầu được ngăn bằng những tấm bê tông, phía gần các kho bãi khác được ngăn cách bởi các bao đựng lưu huỳnh, bãi lưu huỳnh này không có bạt che chắn.  

Theo ông Phương thì cảng Hoàng Diệu đã thực hiện việc nhập, xếp dỡ mặt hàng lưu huỳnh từ vài chục năm trước. Đây là mặt hàng thiết yếu phục vụ công nghiệp hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu… phục vụ nhu cầu cho các nhà máy trong nước. Thời gian gần đây, chủ hàng thực hiện thêm dịch vụ tạm nhập, tái xuất mặt hàng này sang Trung Quốc.

IMG_5348

Lưu huỳnh tại cảng Hoàng Diệu đang được bốc xếp, giải phóng

 Trước câu hỏi về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cháy nổ của mặt hàng này, ông Trần Lưu Phương cho biết: Xét về yếu tố lý hóa thì lưu huỳnh không tan trong nước, khi gặp nước có xu hướng vón cục. Ở nhiệt độ thường thì lưu huỳnh không có khả năng gây cháy, nó chỉ cháy khi bị ma sát mạnh gây nhiệt, ở nhiệt độ 350 độ C trở lên mới tạo nên phản ứng hóa học. Khi thực hiện nhập, xếp dỡ mặt hàng này chúng tôi đã xây dựng các phương án PCCC và các biện pháp bảo vệ môi trường, được các cơ quan chức năng chấp thuận. Thông thường mặt hàng này được bốc xếp thẳng từ tàu thủy lên tàu hỏa (tại cảng Hoàng Diệu có hệ thống đường sắt nội cảng) để tới thẳng điểm tập kết.

"Thời gian gần đây, do mưa lũ ở miền núi phía Bắc làm sạt lở nhiều tuyến đường khiến việc vận chuyển hàng bằng đường sắt và đường bộ đều gặp khó khăn nên mới xảy ra tình trạng bãi lưu huỳnh chưa giải phóng kịp. Cả chúng tôi và đơn vị chủ hàng đều đang nỗ lực nhằm nhanh chóng giải phóng số hàng này”, ông Phương nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.