Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu tại cuộc thi. |
Sáng nay (29/5), 41 thí sinh đến từ 38 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã vượt qua gần 200.000 học sinh tham dự vòng chung kết của cuộc thi “Giao thông học đường” năm học 2015-2016.
Vòng Chung kết được chia làm 2 vòng thi: Vòng đấu trực tiếp và Thi hùng biện. Ở vòng 1, các thí sinh được chia làm 3 nhóm và lần lượt trả lời các câu hỏi trắc nghiệm trên phần mềm trực tuyến. Điểm số vòng 1 chiếm 70% tổng điểm.
Kết thúc vòng 1, Ban tổ chức chọn ra 11 bạn có thời gian về đích nhanh nhất vào vòng 2 - là vòng thi hùng biện xoay quanh chủ đề “Học sinh với văn hóa giao thông”. Cuối cùng, Ban tổ chức sẽ xét hạng và trao giải dựa trên tổng điểm của cả 2 vòng thi. Điểm số vòng này chiếm 30%.
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, cuộc thi “Giao thông học đường” lần I năm học 2015-2016 là lần đầu tiên do Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GD&ĐT, Tổng cục đường bộ VN, Báo Giao thông, Công ty Cổ phần trò chơi trực tuyến (Egame) tổ chức, đã thu hút được gần 200.000 thí sinh tham dự. Những năm qua, tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, TNGT đối với trẻ em và học sinh đang gia tăng.
“Ủy ban ATGT Quốc gia có chủ trì nghiên cứu về tai nạn giao thông đối với trẻ em trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, trong đó, tai nạn giao thông giảm liên tục qua các năm nhưng với đối tượng học sinh lại tăng rất đều và cao”, ông Hùng dẫn chứng.
Cụ thể, năm 2013 có 35 cháu tử vong/775 người; năm 2014 con số này là 61/702 người tử vong vì tai nạn giao thông và năm 2015 toàn TP.Hồ Chí Minh có 692 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó có tới 111 trẻ em. “70% số cháu tử vong là học sinh cấp 3; số học sinh bị tử vong do tai nạn giao thông chủ yếu tự điều khiển phương tiện xe đạp điện, xe máy chiếm tới 80%,” ông Hùng nhấn mạnh.
Chỉ ra nguyên nhân, ông Hùng cho rằng, các em học sinh hiện nay tiếp cận và sử dụng phương tiện xe đạp điện, xe máy điện rất sớm, thậm chí nhiều gia đình mua cả môtô phân khối lớn trong khi học sinh dưới 18 tuổi chưa được phép thi và cấp giấy phép lái xe. Do không có bằng lái, trực tiếp điều khiển phương tiện dù có chạy xe đạp điện, xe máy điện nhưng với tốc độ từ 20-40km/giờ, nguy cơ tử vong do TNGT là rất cao với đối tượng này.
“Cuộc thi “Giao thông học đường” hướng tới đối tượng là các em học sinh THPT, sau khi thi xong và đạt kết quả, các em nắm rất chắc về lý thuyết, kiến thức về pháp luật an toàn giao thông vì các câu hỏi thi bám sát với bộ đề thi lý thuyết giấy phép lái xe. Cuộc thi là cuộc chơi, nhưng chính là công cụ quan trọng hỗ trợ nhà trường trong công tác giáo dục pháp luật về an toan giao thông. Kết quả thu được rất hữu ích không chỉ cho học sinh mà cả gia đình, xã hội và góp phần thiết thực trong công tác đảm bảo an toàn giao thông,” ông Hùng cho hay.
Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng trao giải đặc biệt cho thí sinh đoạt giải. |
Là đơn vị thực hiện phần mềm “Giao thông học đường”, ông Nguyễn Ngọc Thủy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần trò chơi trực tuyến (Egame) cho rằng, hình thức truyền tải các câu hỏi một cách mới mẻ bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại vào việc 3D hóa các tình huống giao thông.Điều này không chỉ giúp các em hiểu và nắm vững luật, hình thức thi còn giúp tạo ra phản xạ tự nhiên cho các em khi gặp các tình huống thực tế trong đời sống.
“Giao thông học đường” còn là cơ hội giúp các em học sinh trang bị kỹ năng tham gia giao thông an toàn và văn hóa ứng xử cần thiết để không vi phạm Luật Giao thông và giúp giảm thiểu các vụ TNGT đáng tiếc liên quan đến lứa tuổi học sinh, đồng thời tạo điều kiện để các em tiếp cận bộ đề thi lý thuyết giấy phép lái xe hạng A1, A2,” ông Thủy nói.
Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 1 giải đặc biệt của cuộc thi trị giá 10 triệu đồng; 2 giải nhất mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 3 giải nhì mỗi giải trị giá 3 triệu đồng; 5 giải ba mỗi giải trị giá 2 triệu và 20 giải tập thể mỗi giải trị giá 3 triệu đồng cho các Sở GD&ĐT và các trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận