Y tế

Hơn 400 trạm y tế lưu động tại TP. HCM được trang bị ra sao?

27/08/2021, 12:33

Hơn 400 trạm y tế lưu động tại TP. HCM đi vào hoạt động không chỉ hỗ trợ F0 tại cộng đồng mà còn thăm khám, điều trị nhiều bệnh lý khác.

TP. HCM phủ sóng hơn 400 trạm y tế lưu động

Tính đến thời điểm này có hơn 400 trạm y tế lưu động phủ sóng ở nhiều xã, phường tại TP. HCM.

Phần lớn trạm đặt tại các trường học, được trang bị đầy đủ bình oxy phục vụ tại chỗ, 2 bình oxy nhỏ để mang đến nhà người dân, dụng cụ thở oxy, thiết bị đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, túi thuốc cấp cứu lưu động, cơ số túi thuốc chăm sóc tại nhà cho người F0, cơ số thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến khác.

img

Người dân đến với Trạm y tế lưu động ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP. HCM

BS. Phạm Văn Tuấn, GĐ Trung tâm Y tế Bình Chánh thông tin, hiện tại huyện có 15 trạm y tế lưu động. Mỗi trạm tập trung nhân lực từ các nguồn như: Y bác sĩ tình nguyện, nhân viên y tế tại chỗ, các cán bộ hỗ trợ… Đây là cánh tay nối dài cho các cơ sơ y tế để chăm sóc tốt nhất cho F0 đang điều trị tại nhà.

Các trạm y tế lưu động này thường xuyên đến tận nhà dân để đo SpO2, hỗ trợ oxy, tiến hành các bước sàng lọc, liên hệ chuyển tuyến.

Hiện Bình Chánh có gần 300 người nhiễm Covid-19 đang được các trạm y tế lưu động chăm sóc.

Khi mô hình trạm y tế lưu động chính thức hoạt động, các khu dân cư đã tìm đến để được tư vấn, nắm kỹ hơn về Covid-19 cũng như xét nghiệm sàng lọc kịp thời, tránh sự chủ quan với dịch bệnh.

Biết thông tin có trạm y tế lưu động Bình Hưng cạnh nhà mình, bà Nguyễn H. chủ động đưa cả nhà đến xét nghiệm bằng test nhanh. Bà H. cho biết: Để khỏi mất công nhân viên y tế, chúng tôi khi đi đã dặn nhau thực hiện nghiêm quy định khoảng cách. Đến khai báo đầy đủ các triệu chứng.

Không để y tế đứt gãy trong giãn cách xã hội

Ngoài việc thông tin chi tiết về hoạt động, đường dây nóng của các trạm y tế lưu động trên các group, trên website của xã/phường, phát trên loa truyền thanh thì những điều cần biết thiết yếu cần được in ra giấy dán trước cửa nhà từng hộ dân để họ nắm bắt. Như vậy khi có bất kỳ điều gì không ổn về sức khỏe là họ biết ngay cần đến đâu, làm gì, gặp ai.

Cử nhân hộ sinh Lê Thị Kiều Ngân đang phụ trách trạm y tế lưu động xã Bình Hưng cho biết: "Bình Hưng là “điểm nóng” của Bình Chánh nên có lúc chúng tôi hoạt động xuyên đêm. Các tình nguyên hỗ trợ kết nối với chúng tôi chặt chẽ và đến nhà dân chăm sóc từ chiều nay đến sáng mai mới về.

Chúng tôi còn liên tục điện thoại hướng dẫn, nắm bắt sức khỏe các ca bệnh ở nhà. Về vấn đề ăn uống, hỗ trợ dinh dưỡng cho đội ngũ y bác sĩ tại các Trạm y tế lưu động thì có xã lo. Hiện riêng tại xã này có gần 50 F0 đang điều trị tại nhà".

Nói về các nhiệm vụ chính của trạm y tế lưu động, PGS.TS.BS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Đại diện cho cơ quan được Bộ trưởng Bộ Y tế giao hỗ trợ TP.HCM thiết lập và vận hành các Trạm y tế lưu động (Bộ Y tế) chia sẻ: Trong bối cảnh số F0 ngày càng tăng thì các cơ sở điều trị sẽ bị áp lực, quá tải nên triển khai chăm sóc F0 tại nhà là cần thiết.

Chiến lược thành lập các trạm y tế lưu động là phù hợp, hiệu quả. Nhiệm vụ của các trạm này là quản lý, hỗ trợ, theo dõi, điều trị F0 tại nhà, sớm phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng để có biện pháp chuyển lên tuyến trên kịp thời, hạn chế tối đa tử vong.

Các trạm này cũng triển khai xét nghiệm Covid-19 tại cộng đồng, đặc biệt là test nhanh ở các “vùng đỏ”, “vùng cam” để sớm phát hiện F0 quản lý cho tốt. Đồng thời, thực hiện tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Bên cạnh đó, các trạm lưu động này cũng chịu trách nhiệm khám bệnh, sơ cấp cứu các bệnh thông thường khác để bảo đảm người dân trong vùng dịch vẫn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản kịp thời.

Đến nay tại TP.HCM có đến 45.000 người cần theo dõi, chăm sóc. Trong đó có 23.000 người đang được theo dõi, chăm sóc tại nhà, còn 22.000 là các ca F0 đã điều trị ở các cơ sở y tế và được chuyển về nhà cách ly, theo dõi tiếp. Đây là đối tượng chính mà các trạm y tế lưu động phục vụ. Bên cạnh đó, còn có người dân khác mắc bệnh thông thường hay có bệnh mãn tính cũng được chăm sóc và điều trị.

“Với hoạt động hỗ trợ của các trạm y tế lưu động. Người dân sẽ yên tâm hơn vì dịch vụ y tế không bị đứt gãy trong khi thực hiện giãn cách xã hội”, ông Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.