Thị xã không thể quyết định việc hoạt động
Chiều 29/3, trao đổi nhanh với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) TX Cửa Lò, tỉnh Nghệ An cho biết, sáng cùng ngày, lãnh đạo thị xã đã có cuộc đối thoại với các chủ xe điện đang hoạt động trên địa bàn.
Đến chiều 29/3 vẫn có rất nhiều người dân đưa theo trẻ em tụ tập ngay trước trụ sở UBND TX Cửa Lò
Theo vị lãnh đạo này, trước thông báo của thị xã dừng hoạt động đối với xe không đủ điều kiện (chưa đăng ký, đăng kiểm theo quy định) trên các tuyến đường bắt đầu từ ngày 20/4/2023, người dân đề xuất cho gia hạn thêm một vài năm để có lộ trình chuyển đổi phương tiện. Thế nhưng, thị xã không thể quyết định được việc này.
“Từ trước tới nay, nhiều vấn đề trong đó có việc cho phép xe điện hoạt động, thị xã phải xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh.
Không phải bây giờ mà từ nhiều năm trước, thị xã đã có nhiều thông báo tới chính quyền cơ sở và người dân về quy định đăng ký, đăng kiểm cho xe điện”, vị lãnh đạo này nói và cho biết thêm: Dù địa phương đã giải thích nhưng nhiều người vẫn không hiểu, tụ tập trước trụ sở UBND thị xã, gây nguy cơ mất ANTT - ATGT và tạo nên hình ảnh không đẹp trong mắt du khách.
Việc tụ tập có nguy cơ gây mất ANTT - ATGT và tạo nên hình ảnh không đẹp trong mắt du khách
Tìm hiểu thêm được biết, sau đối thoại, UBND TX Cửa Lò đã ra Thông báo số 29/TB-UBND “Về việc tổ chức đối thoại với đại diện các chủ xe điện”.
Ông Doãn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã khẳng định, đối với những nội dung kiến nghị của người dân thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp trên, UBND thị xã sẽ tổng hợp và xin ý kiến; đối với những nội dung kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết, UBND thị xã sẽ có văn bản cụ thể gửi các bên liên quan.
Trao đổi qua điện thoại, ông Dũng cho biết đang lên UBND tỉnh họp và xin ý kiến.
Trong khi đó, một lãnh đạo Sở GTVT Nghệ An cho hay, việc quản lý xe điện phân cấp hoàn toàn trách nhiệm cho TX Cửa Lò, tỉnh có quyết định giao thí điểm cho TX Cửa Lò. Còn về lực lượng chức năng, đường đô thị thuộc thẩm quyền của công an.
Anh Quang không khỏi lo lắng trước quyết định bắt xe điện phải đăng ký, đăng kiểm mới được hoạt động
Người dân vẫn xin gia hạn theo lộ trình
Trước thông báo của TX Cửa Lò sau buổi đối thoại, nhiều chủ phương tiện nơi đây vẫn chưa hết lo lắng. Nghe thông tin, có một công ty ở thị xã mua xe điện mới về chào bán, anh Nguyễn Văn Quang (xã Nghi Thu) vội vàng đến xem.
Sau một hồi kiểm tra phương tiện và hỏi thăm giá, anh Quang lắc đầu: Họ chào giá tới 260 triệu, giờ lấy đâu ra tiền để mua.
Nói rồi anh Quang kể, ở Cửa Lò không có ruộng nên trước đây anh đi đánh cá thuê cho các chủ tàu trên địa bàn, còn vợ may mặc tại nhà. Nghề biển vất vả mà thu nhập bấp bênh, năm 2019 anh bàn vợ thế chấp bìa đỏ, mua lại chiếc xe điện và "lốt chạy" với giá 450 triệu đồng.
Vừa chạy được thời gian thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát, anh Quang phải ở nhà. Đến năm 2022, dịch bệnh cơ bản được khống chế, anh chạy được 50 triệu đồng. Hiện tiền nợ mua xe ở Ngân hàng NN&PTNT còn chưa trả hết.
“Ruộng không có, nghề biển không đi nữa, 2 đứa con (học lớp 9 và lớp 12) đang ăn học đều trông vào chiếc xe điện. Xe chúng tôi toàn là xe cũ, hồ sơ không đầy đủ, không thể đăng ký, đăng kiểm đồng nghĩa không thể hoạt động.
Hầu hết các chủ xe điện ở Cửa Lò đều chung tâm trạng lo lắng vì mùa du lịch đã cận kề
Xe không có đăng ký, đăng kiểm không được hoạt động thì bán được mấy chục triệu. Tiền nợ ngân hàng xe trước còn chưa trả hết, chúng tôi lấy đâu ra hơn 200 triệu đồng nữa để mua xe mới.
Chúng tôi đồng tình việc siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn nhưng cơ quan quản lý nên đưa ra một lộ trình, không nhiều thì cũng hết mùa du lịch năm nay.
"Nước đến chân rồi mới nhảy sao kịp", chưa kể như chiếc xe mới công ty rao bán 260 triệu nhưng chưa biết có đăng kiểm được hay không…”, anh Quang chia sẻ.
Cùng mua xe điện (bao gồm cả "lốt") vào năm 2019 với giá 450 triệu, gia đình anh Võ Thanh Hà (ở xã Nghi Hương) cho biết thêm, mang tiếng xe mua được 3 năm nhưng mới chạy được 1 mùa năm ngoái, còn lại ở nhà nghỉ dịch. Dù đã cố gắng chắt bóp, vay mượn anh em nhưng chúng tôi vẫn nợ ngân hàng 170 triệu đồng tiền mua xe.
“Gia đình tôi có 2 con đang học lớp 6 và 9, ruộng không có, vợ ở nhà bán đồ ăn sáng. Nếu xe không được hoạt động thì không biết phải sống ra sao, rất mong thị xã và các cấp chính quyền có giải pháp hài hoà cho người dân”, anh Hà nói.
Như Báo Giao thông đưa tin: Xe điện ở Cửa Lò được Chính phủ cho phép thí điểm hoạt động từ năm 2011, trong thời hạn 3 năm. Giai đoạn 2011 - 2015, hoạt động xe điện do doanh nghiệp quản lý và điều hành.
Từ năm 2016, hoạt động xe điện được đưa về TX Cửa Lò quản lý. Và được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép hoạt động từng năm một; số lượng là 558 xe, hoạt động theo ngày chẵn - lẻ ổn định từ đó đến nay. Hàng năm, thị xã có thu thuế 3 triệu đồng/xe/năm.
Ngày 23/3/2023, TX Cửa Lò có văn bản yêu cầu các xe điện phải đăng ký, đăng kiểm theo quy định thì mới được phép hoạt động; số xe hoạt động giới hạn không quá 300 xe. Dừng hoạt động đối với xe không đủ điều kiện (chưa đăng ký, đăng kiểm theo quy định) trên các tuyến đường bắt đầu từ ngày 20/4/2023.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận