Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xây dựng một hệ thống phòng không và tên lửa độc lập dựa trên các tổ hợp tên lửa HQ-9 của Trung Quốc. Quyết định mới đây đã được Bộ trưởng Quốc phòng Ismet Yilmaz xác nhận, Tiếng nói nước Nga đưa tin.
Hợp đồng bán HQ-9 cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tác động mạnh tới vị thế của Trung Quốc trên thị trường thế giới. Hoạt động xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc bắt đầu vượt các giới hạn thị trường truyền thống lâu nay là Pakistan, Sudan, Bangladesh, ông Vasily Kashin, chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ nêu nhận xét.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc xuất hiện với sản phẩm vũ trang phức tạp và đắt tiền - chào bán hệ thống tên lửa phòng không tầm trung cho một quốc gia lớn và tương đối phát triển vốn có quan hệ quân sự-kỹ thuật gần gũi phương Tây.
Thổ Nhĩ Kỳ còn là quốc gia có ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo. Hợp đồng mua 12 tiểu đoàn HQ-9 trị giá vào khoảng 3,6 tỷ USD sẽ làm nhiều chính trị gia quốc tế thay đổi thái độ về chất lượng vũ khí Trung Quốc.
Những thành tựu mà các nhà sản xuất phương tiện phòng không Trung Quốc đã đạt được chỉ giải thích một phần sự thành công của thương vụ tương lai. Giống như nhiều giao dịch tương tự, ở đây yếu tố kỹ thuật quân sự đóng vai trò nhỏ so với các yếu tố chính trị. HQ-9 cũng khó thể vượt trội so với các sản phẩm mà Hoa Kỳ, châu Âu và Nga đã đề xuất.
Sự hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc diễn ra khá lâu. Trung Quốc cũng chứng tỏ họ sẵn sàng chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ cả công nghệ chứ không chỉ riêng sản phẩm vũ khí. Thổ Nhĩ Kỳ đã được Trung Quốc cấp phép sản xuất các bệ phóng tên lửa hạng nặng, tên lửa đạn đạo tầm ngắn và một số loại vũ khí trang bị cho máy bay.
Trong khi ngay từ đầu Nga không sẵn sàng chuyển giao khối lượng lớn các công nghệ liên quan đến phương tiện phòng không, dĩ nhiên bởi lý do Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO. Còn Mỹ và EU, bất chấp vô số những hứa hẹn, vẫn không thể đáp ứng nhu cầu của đối tác Thổ Nhĩ Kỳ về chuyển giao công nghệ.
Chắc chắn, việc mua các hệ thống của Trung Quốc sẽ gây nên phản ứng tiêu cực từ phía Mỹ. Nhưng nếu Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng tự quyết định hợp đồng về khí đốt thì quốc gia cũng sẽ không vấp phải những vấn đề lớn trong trường hợp này.
Bài học quan trọng từ thương vụ HQ-9 với Thổ Nhĩ Kỳ chính là việc Trung Quốc đang trở thành một siêu cường toàn diện và điểm cực thu hút các nước đang phát triển khác. Đó là nhờ quy mô của nhà nước và nền kinh tế Trung Quốc, cũng như việc Trung Quốc có chính sách đối ngoại quán triệt và độc lập, theo Biz Live.
Tổ hợp tên lửa phòng không HQ-9 được phát triển dựa trên cơ sở tổ hợp tên lửa S-300V phát triển dưới thời Liên Xô và Nga cũng mang phiên bản nâng cấp S-300VM Antey-2500 tham gia gói thầu T-Loramids.
Ngoài FD-2000 của Trung Quốc, tham gia dự thầu T-Loramids còn có liên doanh Lockheed Martin/ Raytheon với tổ hợp tên lửa Patriot phiên bản PAC-2 và PAC-3, Rosobonexport với S-300 PMU-2 Favorit, S-300 VM Antey-2500 và Tổ hợp Eurosam với tổ hợp SAMP/T sử dụng đạn tên lửa Aster-30. Theo gói thầu này, Thổ Nhĩ Kỳ dự định mua 12 tổ hợp tên lửa phòng không mới với giá trị hợp đồng ước tính khoảng 4 tỷ USD.
Sau khi xem xét các ứng viên dự gói thầu T-Loramids, Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua sản phẩm của Trung Quốc do đáp ứng mọi yêu cầu Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đề ra và có giá thành rẻ nhất.
Tuy nhiên quyết định này cũng đồng nghĩa với hàng loạt thách thức đặt ra cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ rất khó (nếu không có sự đồng ý của NATO thì sẽ là không thể) tích hợp các tổ hợp HQ-9 vào một hệ thống phòng không thống nhất.
Vấn đề là ở chỗ, nếu muốn tích hợp HQ-9 vào hệ thống này, Thổ Nhĩ Kỳ phải yêu cầu nhà cung cấp Trung Quốc thay đổi một loạt các tham số kỹ thuật của nó để có thể tương thích với các trang thiết bị theo tiêu chuẩn NATO.
Nếu thế thì trước tiên Thổ Nhĩ Kỳ phải đề nghị NATO cung cấp các số liệu kỹ thuật về hoạt động của các thiết bị và cung cấp cho nhà sản xuất, điều này cũng đồng nghĩa với việc rò rỉ thông tin một cách tự nguyện cho Trung Quốc.
Về vấn đề này, trước đó phía NATO đã có ý kiến là việc tích hợp các tổ hợp của Nga hoặc của Trung Quốc vào hệ thống phòng không của NATO sẽ cho phép 2 nước này tiếp cận được các dữ liệu quan trọng, trong khi NATO lại không thể tiếp cận được các thông tin tương tự của Nga và Trung Quốc.
Như thế có nghĩa là khả năng NATO cung cấp các số liệu kỹ thuật cần thiết để tích hợp HQ-9 vào hệ thống phòng không chung là không thể xảy ra.
Một khó khăn kỹ thuật nữa mà Thổ Nhĩ Kỳ phải giải quyết khi mua HQ-9, đó là nước này phải thay mã số của hệ thống nhận biết “địch-ta”. Theo số liệu của Flightglobal MiliCAS, Không quân Thổ Nhỹ Kỳ có 227 máy bay tiêm kích F-16C/D Fighting Falcon, 152 F/RF-4E Phantom II và F/NF-5A/B Freedom Fighter do Mỹ sản xuất.
Thiết bị nhận biết “địch-ta” của các máy bay này được quy chuẩn theo hệ thống nhận biết chuẩn của NATO và không thể tương thích với HQ-9. NATO chắc chắn không thể đồng ý để lộ các thông tin về hệ thống mã số và trao đổi thông tin và nếu thế thì nhà sản xuất (Trung Quốc) cũng không thể hiệu chỉnh được HQ-9. Có thể sử dụng một giải pháp là trang bị cho các máy bay tiêm kích máy đáp vô tuyến tương thích với tổ hợp HQ-9, nhưng nó rất khó thực hiện vì các lý do kỹ thuật, theo Soha News.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận