Xã hội

Hủ tục nghi kỵ cầm đồ thuốc độc ở Quảng Ngãi: Nỗi ám ảnh bị cô lập!

09/01/2023, 07:00

Nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc ở vùng cao Quảng Ngãi vẫn len lỏi tái diễn trong đồng bào thiểu số khiến người dân lo sợ.

Để xóa bỏ hủ tục lạc hậu này, những người lính công an trẻ được phân công về các xã vùng cao đã đứng ra “tháo ngòi nổ” mang lại cuộc sống bình yên nơi rẻo cao và giúp người dân đón Tết xum vầy.

Thèm nhậu nên hô “có đồ” hù bạn nhậu

Xã Trà Tây, huyện vùng cao Trà Bồng được sáp nhập từ hai xã Trà Trung và Trà Thọ nằm chênh vênh bên lòng hồ Nước Trong. Từ lâu, cái đói, cái nghèo vẫn là câu chuyện mà các cấp chính quyền nơi đây phải “đấu tranh” giúp người dân vươn lên trong cuộc sống. Ấy thế nhưng, không chỉ có đói nghèo, thiếu thốn mà ở nơi non cao này, vấn nạn “nghi kỵ cầm đồ thuốc độc” vẫn luôn dai dẳng tồn tại khiến địa phương đau đầu.

img

Công an huyện Trà Bồng và xã Trà Tây trò chuyện với ông Quang để lắng nghe tâm tư và tìm cách hóa giải nghi kỵ trong nhân dân.

Chỉ vì là thầy cúng và không biết đi xe máy nên ông Hồ Văn Quang (62 tuổi, xã Trà Tây) phải thường xuyên đi bộ vào ban đêm để cúng bái cho người dân ở địa phương.

Sau nhiều lần nhìn thấy ông Quang trong đêm tối hay trở về làng một mình nên ông Hồ Văn Thêm (người cùng làng) đâm sinh nghi ông Quang đang làm chuyện xấu. Trong một lần “rượu vào lời ra”, ông Thêm đã chỉ tay về phía ông Quang “phán” với vẻ nghi ngờ ông Quang có “đồ độc”.

Từ phát biểu của ông Thêm, thông tin trên nhanh chóng lan ra khỏi bàn nhậu và đến tai người dân trong làng. Từ chỗ bán tín bán nghi, người dân trong làng đồn thổi câu chuyện “phình” to ra và dần dà người dân bắt đầu theo dõi mọi hành động, cử chỉ của ông Quang cũng như xa lánh, không tiếp xúc, trò chuyện.

Việc bị mọi người xa lánh khiến cuộc sống của ông Quang vốn khó khăn, càng khó khăn hơn. Ngay cả “nghề thầy cúng” của ông cũng không còn ai nhờ vả.

Ông Quang kể: “Tôi cũng từng là cán bộ xã, hiện là thầy cúng, bây giờ thường đi cúng cho mọi người, vì vậy có lúc hay đi về đêm, cũng không hiểu sao anh Thêm và mọi người xa lánh tôi”.

Còn với ông Hồ Văn Vũ (48 tuổi, trú thôn Bắc Nguyên, xã Trà Tây), là một người nghiện rượu, ăn mặc luộm thuộm và có những phát ngôn khiêu khích. Thậm chí ông Vũ còn “vỗ ngực” nói với người làng là mình có “đồ độc”. Có trường hợp người trong làng chết, ông Vũ cho rằng người này chết là do có xích mích với mình.

Trong một lần sang xã Trà Phong chơi, thấy thanh thanh niên ở đây đang nhậu, “cơn nghiện rượu” trào lên. Dù không hề quen biết những người kia nhưng Vũ xộc đến xin nhậu chung và sau vài chén, Vũ “thông báo” là mình có “đồ”.

Sau lời “sấm” của Vũ, đám thanh niên đang “chén chú chén anh” dừng cuộc chơi và tháo chạy. Còn Vũ, một mình hả hê “xử” hết số mồi và rượu trên bàn no say.

img

Hồ Văn Vũ bị người làng xa lánh vì mỗi lần cơn nghiện rượu trỗi dậy là ông lại xưng là mình "có đồ" để hù người khác.

Những phát ngôn của ông Vũ ngày càng lan rộng đến tai người dân trong làng và nhanh chóng sau đó cả gia đình ông Vũ bị người làng xa lánh, cô lập.

Bà Hồ Thị Cam, vợ ông Vũ than thở: Gia đình có 5 đứa con, việc ăn uống hằng ngày đều trông chờ vào việc làm thuê của tôi. Nhưng từ ngày ông Vũ nói “có đồ”, người làng không gọi đi làm thuê nữa. Cuộc sống vốn khó khăn giờ càng khó khăn hơn.

Theo Chính quyền xã Trà Tây, vấn nạn “nghi kỵ cầm đồ thuốc độc” là hủ tục lạc hậu, chính quyền vào cuộc khuyên can, hòa giải nhiều, song nhận thức của người dân còn hạn chế nên khi có một ai đó bị nghi có “đồ” là cả làng liền đồn thổi và xa lánh, cô lập cá nhân đó, thậm chí là cô lâp luôn cả gia đình.

Vào cuộc gỡ “nút thắt” để bà con xum vầy đón Tết

Những ngày cuối năm, trong cái lạnh thấu xương ở miền ngược, song vì cuộc sống bình yên của nhân dân và vì một cái Tết ấm cúng, đoàn kết trong nhân dân, nên các cán bộ chiến sỹ Công an huyện Trà Bồng phải lặn lội đến các xã vùng cao còn nhiều khó khăn để vận động, tuyên truyền, giải thích và xóa bỏ những “hiềm khích”.

img

Buổi hòa giải, xóa bỏ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" được tổ chức tại xã Trà Tây đã hóa giải những nỗi lo trong nhân dân và bản thân ông Quang, ông Vũ được người làng đón nhận.

Tận dụng khoảnh đất trống trước hiên nhà ông Quang, lực lượng Công an huyện Trà Bồng đã trò chuyện, thăm hỏi và lắng nghe ông Quang chia sẻ cũng như mong muốn được hóa giải nỗi oan của bản thân. Qua tâm sự của ông Quang, lực lượng Công an thấu hiểu được câu chuyện, sau đó tham mưu Đảng ủy xã Trà Tây tổ chức các cuộc hòa giải, phát động phong trào giải nghi.

Tại hội trường UBND xã Trà Tây, những nghi kỵ mà bấy lâu nay người dân “nhắm” vào ông Quang, ông Vũ được đưa ra “mổ xẻ”. Người dân địa phương được phát biểu và bản thân người bị nghi cũng bày tỏ ý kiến.

Đến nửa cuối buổi hòa giải, người dân trong làng dần thấu hiểu những gì đã diễn ra là không có thật. Sau khi được lực lượng công an giải quyết, bản thân người bị nghi và dân làng đều hớn hở, đồng thuận. Tình đoàn kết xóm làng lại trở nên thắt chặt, những nghi kỵ đã được xóa bỏ.

“Nhờ lực lượng công an và chính quyền địa phương kịp thời giải nghi, giờ trong lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm, cuộc sống gia đình được trở lại bình thường. Tết này gia đình tôi được đến nhà bà con trong làng chung vui rồi”, ông Quang tâm sự.

Thiếu tá Hồ Văn Chanh, Trưởng Công an xã Trà Tây cho biết, việc người dân xa lánh, cô lập người bị nghi có “đồ” ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống vật chất và tinh thần của bản thân và gia đình và mất an ninh trật tự tại địa phương.

“Sau khi nắm tình hình và tiếp nhận phản ánh cũng như nghe người bị nghi để xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc và tham mưu Đảng ủy xã tổ chức các cuộc hòa giải. Nhờ đó mà nhiều vụ việc đã được hóa giải thành công”, thiếu tá Hồ Văn Chanh chia sẻ.

img

Sau hòa giải để "trở về với dân làng", lực lượng Công an huyện Trà Bồng còn tặng quà để động viên ông Vũ và gia đình vươn lên trong cuộc sống.

Bí thư Đảng ủy xã Trà Tây Hồ Thị Vi Na cho biết, để hóa giải vấn nạn nghi kỵ, nhất là trong những ngày cuối năm, địa phương thường xuyên phối hợp với lực lượng công an tổ chức các cuộc hòa giải, phát động phong trào để giải nghi, nâng cao nhận thức cho người dân về hủ tục lạc hậu cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa bàn.

Đồng thời, tổ chức các cuộc họp thôn bản, tranh thủ những người có uy tín trong đồng bào hoặc xuống từng hộ dân để tuyên truyền; tâm huyết với đồng bào để giúp họ xóa dần đi những định kiến lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.