Từ hôm nay (9/8), Thanh tra Sở GTVT sẽ phối hợp với lực lượng Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế và Công an TP Huế triển khai Kế hoạch phối hợp liên ngành kiểm tra hoạt động xe trá hình, kinh doanh vận tải hành khách trái phép, đảm bảo trật tự vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn tỉnh.
Trong đợt này, lực lượng chức năng của Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên-Huế và Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ thực hiện quyết liệt các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự ATGT, trật tự vận tải hành khách bằng ô tô. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách; xử lý kiên quyết tình trạng xe hợp đồng trá hình vận chuyển hành khách, dịch vụ “xe đi ké”, “xe dù”, “bến cóc”, xe chạy sai luồng tuyến; dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định; tập trung địa bàn TP Huế và tuyến QL1 từ Huế đi các tỉnh, thành và ngược lại.
Trước đó, nhằm lập lại trật tự hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, Sở GTVT Thừa Thiên-Huế và Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành và thống nhất triển khai.
Trong đó, ngoài việc rà soát các quy định của pháp luật liên quan kinh doanh vận tải hành khách để phối hợp tham mưu, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh đăng ký, nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Sở GTVT và Công an tỉnh bố trí lực lượng liên ngành (Thanh tra Sở GTVT, Phòng CSGT, Công an TP Huế) kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm về kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, việc thành lập các điểm đỗ xe, trạm dừng, nghỉ đón, trả khách trái phép. Bảo đảm trật tự vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn TP Huế và các tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh.
Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, tập thể gần 80 nhà xe tuyến cố định Đà Nẵng-Huế và ngược lại vừa gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng Trung ương, các địa phương Huế, Đà Nẵng về tình trạng “xe dù”, “xe trá hình” bùng phát trên địa bàn cần có biện pháp quyết liệt, xử lý triệt để, đảm bảo trật tự vận tải trên tuyến.
Theo các nhà xe này, trên tuyến Huế - Đà Nẵng có khoảng 200 nhà xe, xe “trá hình” hoạt động, khiến việc cạnh tranh không bình đẳng, đẩy các nhà xe cố định vào bờ vực phá sản, lượng khách lên xe ở hai đầu bến chỉ đạt 3 - 5% tổng số ghế, lễ, Tết cũng chỉ đạt 10 - 20%...
Tiếp đó, Báo Giao thông cũng có bài "Tái bùng phát xe trá hình trên tuyến Huế- Đà Nẵng" phản ánh vấn nạn xe trá hình núp bóng phù hiệu hợp đồng, du lịch, xe ké đón khách lẻ... Các địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng TTKS, xử lý vi phạm, trong đó Đà Nẵng đã mở cao điểm xử lý xe khách.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận