Ngày 22/2/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo Ban ATGT tỉnh, Sở GTVT UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tăng cường các giải pháp đảm bảo ATGT, quản lý kinh doanh vận tải (KDVT), xử lý triệt để các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT tại các tuyến đường nguy hiểm do địa phương quản lý...
Lực lượng liên ngành Thừa Thiên Huế kiểm tra, xử lý xe vận chuyển khách trá hình năm 2020. (Ảnh minh họa)
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở GTVT tiến hành rà soát, triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi hoạt động vận tải công cộng nội bộ và liên tỉnh (kể cả vận tải hành khách và vận tải hàng hóa) trong điều kiện bình thường mới của tình hình dịch Covid-19 để phục vụ người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo tại Công văn số 1630/UBND-GT của UBND tỉnh và hướng dẫn của Bộ GTVT tại Công văn số 1026/BGTVT-VT.
Đồng thời, chỉ đạo kiểm tra, siết chặt công tác quản lý kinh doanh và điều kiện KDVT bằng xe ô tô trên địa bàn, tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về điều kiện KDVT đối với đơn vị KDVT bằng xe ô tô, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
Song song đó, Ban ATGT tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, phát hiện và xử lý triệt để các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên mạng lưới các tuyến đường do địa phương quản lý, lưu ý những tuyến đường đèo dốc, đường dân sinh; khắc phục ngay sự cố về hạ tầng để bảo đảm giao thông an toàn.
Liên quan đến công tác vận tải, cùng ngày (22/2), Thanh tra Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, quá trình triển khai trong dịp cao điểm Tết vừa qua chưa phát hiện xử lý trường hợp phương tiện nào vận chuyển khách trá hình tuyến Huế - Đà Nẵng...
Theo ông Võ Hoài Nam, Chánh Thanh tra Sở GTVT Thừa Thiên Huế, thời gian qua lực lượng đơn vị chủ yếu kiểm tra tại các bến xe liên tỉnh, nội tỉnh về thực hiện quy định vận chuyển hành khách dịp Tết, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera...
Hơn nữa, xe đang hoạt động trên đường lực lượng TTGT dừng để kiểm tra phải có căn cứ, dấu hiệu vi phạm theo quy định; chưa kể trường hợp có dấu hiệu nhưng hành khách không hợp tác với lực lượng chức năng thì cũng rất khó. Đối với xe vận chuyển khách trá hình, nhất là xe dưới 9 chỗ cần phải phối hợp liên ngành kiểm tra, xử lý theo chuyên đề...
Lãnh đạo Trạm CSGT Phú Lộc - Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, thời gian qua lực lượng đơn vị triển khai theo kế hoạch, nếu phát hiện xe vận chuyển trá hình sẽ xử lý nghiêm.
Thông tin từ Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay xe KDVT phải chuyển sang biển số vàng theo quy định. Sắp tới tùy theo tình hình thực tế sẽ tham mưu để triển khai kế hoạch liên ngành tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về KDVT, nhất là xe vận chuyển hành khách trá hình...
Theo Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế, trong năm vừa qua, Thanh tra Sở đã mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý tình trạng xe dù, bến cóc, xe khách chạy sai luồng, tuyến; dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định; xe vận chuyển khách không đảm bảo các điều kiện KDVT theo quy định; xử lý xe vận chuyển khách theo hợp đồng, du lịch, opentour trá hình vận chuyển khách như tuyến cố định, dịch vụ xe đi ké; ô tô tải cơ nới thành thùng, chở quá khổ, quá tải... Lập biên bản xử lý 638 trường hợp, chuyển kho bạc nhà nước thu hơn 1,4 tỷ đồng, tước quyền sử dụng GPLX 33 trường hợp.
Phối hợp với Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh, Công an TP Huế ra quân đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đường thủy nội địa; kiểm tra hoạt động xe trá hình, KDVT hành khách trái phép. Lập biên bản xử lý 64 trường hợp, chuyển kho bạc nhà nước thu 226,9 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 56 trường hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận