Tiện đâu bắt khách đó
Trên QL5 qua các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng thường xuyên diễn ra tình trạng các xe khách chạy tuyến cố định và hợp đồng tùy tiện dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định.
Có mặt tại chân cầu vượt 559 thuộc địa bàn phường Bình Hàn, TP Hải Dương, PV Báo Giao thông chứng kiến hàng loạt ô tô khách từ 29-45 chỗ, ô tô giường nằm vô tư dừng đỗ ngay trên làn đường dành cho xe thô sơ đón, trả khách. Có thời điểm, 2-4 chiếc cùng dừng một lúc gây ra cảnh tượng giao thông hỗn loạn.
Theo khảo sát, trên QL5 mỗi ngày có hàng trăm lượt xe khách chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình… và ngược lại.
Cùng đó là tồn tại hàng chục điểm dừng đỗ đón trả khách không đúng quy định như: Ngã tư Quán Toan (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng); thị trấn Phú Thái (huyện Kim Thành, Hải Dương), chân cầu vượt Big C, cầu vượt 559 (TP Hải Dương), thị trấn Lai Cách, ngã tư Quý Dương, ngã tư Ghẽ, ngã tư Quán Gỏi (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương); ngã tư Phố Nối (TX Mỹ Hào), khu vực chợ đường Cái (tỉnh Hưng Yên)…
Một số điểm trở thành bến cóc nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm như: Chân cầu vượt Big C, cầu vượt 559, khu vực ngã tư Phố Nối, chợ đường Cái…
Tại Hà Tĩnh, dù được UBND tỉnh phê duyệt 54 điểm đón, trả khách dọc tuyến QL1 qua địa bàn, tuy nhiên, 5 năm qua, các điểm dừng đón trả khách vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Trong khi đó, tình trạng nhà xe bắt khách dọc đường vẫn diễn ra nhức nhối trên QL1 qua tỉnh này.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trên tuyến QL1 đoạn qua cầu vượt đường tránh TP Hà Tĩnh, nơi có rất đông người đứng chờ để đón xe khách, chỉ trong thời gian ngắn, có cả chục lượt xe khách Bắc - Nam dừng ở điểm này để đón khách. Khi được hỏi vì sao không vào bến mua vé, anh Nguyễn Văn Mạnh (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết: “Từ nhà tôi xuống đây phải mất hơn 3km, chạy vào bến khoảng hơn 2km nữa nên rất xa, chưa kể nhiều đồ đạc cồng kềnh đi lại bằng xe máy rất bất tiện”.
Trên dọc tuyến QL1 qua Thanh Hóa cũng tồn tại một số “điểm nóng” về dừng đón trả khách sai quy định, hình thành những bến cóc như: Khu vực Big C Thanh Hóa (TP Thanh Hóa), Quán dốc, Ga Nghĩa Trang (huyện Hậu Lộc) và đặc biệt khu vực giáp ranh với tỉnh Ninh Bình. Việc xử lý của cảnh sát trật tự và TTGT cũng không xuể, bởi hễ thấy vắng bóng lực lượng chức năng là các bến cóc lại hình thành.
Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, hiện hầu hết trên các tuyến quốc lộ chưa có điểm dừng đỗ cho xe khách.“Việc dừng và đỗ xe tùy tiện, nhất là đối với xe khách dừng đón trả khách lấn chiếm lòng đường, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Nhiều tuyến đường nhỏ hẹp, xe khách dừng đỗ bất ngờ, chắn hết làn đường, xe đi sau không phanh kịp rất dễ xảy ra tai nạn”, ông Lăng cho biết.
Huy động vốn cách nào?
Trong bối cảnh chúng ta gần như bất lực với tình trạng đón trả khách tùy tiện của xe khách, việc bố trí đủ điểm dừng đón trả khách đủ điều kiện chắc chắn giúp việc đón trả khách thuận tiện và an toàn hơn.
Cùng với đó, cần sự vào cuộc nghiêm túc của các cơ quan chức năng, xử phạt nặng, rút giấy phép các nhà xe vi phạm. Phải áp dụng triệt để những giải pháp về công nghệ để xử phạt nguội mới mong xóa bỏ xe dù, bến cóc.
TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức
Tìm hiểu của PV, Thông tư 63/2014 của Bộ GTVT đã quy định phải có điểm dừng đỗ cho tuyến cố định. Tuy nhiên, kể từ khi thông tư ban hành đến nay, trên các tuyến quốc lộ và nội đô các thành phố gần như chưa có điểm nào.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, để giải quyết vấn đề này, Tổng cục Đường bộ VN đã đề xuất buộc xây dựng các điểm dừng đón trả khách trong dự thảo sửa đổi Luật GTĐB. Theo đó, đối với các tuyến đường đang khai thác phải xây dựng các điểm dừng đỗ cho xe buýt, xe khách, vận tải công cộng.
“Sau khi Luật ban hành sẽ có hướng dẫn cụ thể về trường hợp nào dùng mặt đường làm điểm dừng đỗ xe, trường hợp nào phải xây dựng ngoài hành lang đường bộ đã được giải phóng mặt bằng”, ông Điệp nói.
Liên quan đến việc có nên xã hội hóa đầu tư hay không, ông Điệp cho biết, điểm dừng đỗ cho xe khách cũng tương tự như âu ra vào của xe buýt, kinh phí đầu tư không lớn, dao động khoảng vài trăm triệu đồng. Số vốn này khó huy động xã hội hóa vì doanh nghiệp đầu tư khó tìm lợi nhuận.
“Trước mắt, trong xây dựng kế hoạch bảo trì năm 2021, tổng cục sẽ xem xét ghi vốn cho xây dựng các điểm dừng đỗ trên quốc lộ theo hướng sẽ chọn những tuyến có lưu lượng vận tải khách công cộng lớn”, ông Điệp cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, với những tuyến đường hiện hữu cũng như những tuyến làm mới, khi duyệt kế hoạch bảo trì đường bộ hàng năm phải tính toán bổ sung kinh phí cho các điểm dừng đỗ xe.
“Làm được việc này sẽ giải quyết được tình trạng xe dừng, đỗ đón trả khách chiếm hết lòng đường gây mất ATGT. Hơn nữa, khi có các điểm dừng đỗ sẽ dần tạo ý thức cho người dân có nhu cầu đi xe khách là nghĩ ngay tới phải đến các điểm này để đón xe”, Thứ trưởng Thọ nói.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải và thương mại Đất Cảng cho biết, nhu cầu điểm dừng đón là có thực, thực tế doanh nghiệp vẫn phải dừng đón trả khách trên đường vì trong bến không có khách.
“Nếu ở nội thành, cứ mỗi 5km và ngoại thành 10km có một điểm dừng đón trả khách sẽ không chỉ lập lại được trật tự trên tuyến, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vận tải, giải quyết được nạn xe dù, bến cóc, xe trá hình dừng đón trả khách tràn lan. Người dân sẽ biết được vị trí cụ thể, giờ xe chạy để đón xe thay vì chỗ nào cũng đứng đón”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, nếu ngân sách không đáp ứng được, có thể huy động đầu tư xã hội hóa, doanh nghiệp vận tải sẵn sàng bỏ tiền ra làm. Vấn đề làm sao phải quy hoạch điểm đón phải phù hợp với nhu cầu của người dân.
Ông Nguyễn Xuân Bảo, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết, năm 2015, khi thi công nâng cấp mở rộng QL1 đoạn qua Hà Tĩnh, Sở có đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các nhà thầu kết hợp làm luôn các điểm dừng đỗ, nhưng không thực hiện được.
“Để làm được các điểm dừng đỗ này, có 2 nguồn vốn cơ bản là ngân sách và xã hội hóa. Tuy nhiên, hiện ngân sách vẫn đang được ưu tiên xây dựng những vấn đề cấp bách hơn, còn xã hội hóa vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư nào”, ông Bảo nói.
Cũng cho rằng, xã hội hóa đầu tư các điểm dừng đỗ trên quốc lộ là cần thiết và cần sớm triển khai, theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TPHCM), khó khăn hiện nay là thành phố chưa có quy hoạch cụ thể về quỹ đất dành cho các điểm dừng đỗ. Nếu được bố trí quỹ đất, sau đó kêu gọi đầu tư xã hội hóa chắc chắn sẽ giải quyết tình trạng thiếu các trạm dừng nghỉ dọc quốc lộ.
Ông Lê Bảy, Trưởng phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái (Sở GTVT Bình Thuận):
Có điểm dừng đỗ, lưu thông an toàn hơn
Địa phương đã hoàn thành việc lắp đặt, xây dựng 25 điểm dừng xe đón trả khách tuyến cố định từ nguồn kinh phí của Tổng cục Đường bộ VN trong năm 2015. Ngoài ra, Sở GTVT cũng triển khai khoảng hơn 20 vị trí trên các tuyến tỉnh lộ bằng nguồn kinh phí địa phương. Trước khi lắp đặt các vị trí đưa vào khai thác, Sở GTVT đều phối hợp với Ban ATGT tỉnh, Cục QLĐB IV khảo sát và thống nhất khoảng cách các vị trí cũng từ 5km trở lên.
Tại điểm đón, trả khách, chỉ cho phép mỗi xe được dừng tối đa không quá 3 phút. Sau khi đưa vào khai thác, TTATGT trên các tuyến quốc lộ đi vào nền nếp hơn.
Ông Dương Mạnh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai:
Rà soát để sắp xếp lại các điểm dừng đỗ
Từ năm 2014, Sở đã đưa vào khai thác các điểm đón trả khách tuyến cố định trên các tuyến QL1, QL20, QL56 và các tuyến tỉnh lộ.
Cụ thể, trên QL1 có 25 vị trí đặt dọc tuyến từ TP Biên Hòa đến giáp ranh tỉnh Bình Thuận. Ngoài ra, các tuyến QL20 có 13 vị trí, QL56 có 4 điểm, QL51 là 12 điểm và 13 điểm trên tỉnh lộ.
Hiện, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đang rà soát lại tất cả các điểm dừng đón trả khách các tuyến vận tải hành khách cố định trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ để sắp xếp lại cho phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng và ATGT (Sở GTVT Quảng Ninh)
Doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích sẽ đầu tư
Việc đầu tư hạ tầng tại điểm dừng đón trả khách tuyến cố định giống như điểm đón xe buýt là ý tưởng hay nhưng rất khó thực hiện. Bởi lẽ, nguồn vốn có thể huy động từ ngân sách hoặc xã hội hóa nhưng không phải điểm dừng đón nào cũng có mặt bằng rộng, đủ điều kiện để xây lắp. Trường hợp huy động nguồn vốn xã hội hóa thì tại các điểm cách xa khu dân cư, ít người qua lại sẽ khó có DN nào bỏ chi phí lớn để đầu tư vì không quảng bá được hình ảnh DN hoặc mang lại lợi ích kinh tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận