Huy động các doanh nghiệp ngoài vũ trang đầu tư phát triển quốc phòng an ninh
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 8/11, Quốc hội nghe Chính phủ trình dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã trình bày tờ trình dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Theo tờ trình, mục đích xây dựng Luật là nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP), an ninh (AN) và động viên công nghiệp (ĐVCN) trước mắt và lâu dài.
Đồng thời, từ việc xây dựng luật có thể huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp.
Hoặc tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế...
Doanh nghiệp được giao nhiệm vụ nhưng giải thể, phá sản thì xử lý như thế nào?
Từ góc độ thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp như đã nêu trong tờ trình.
Song, Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo đặt công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong tổng thể nền công nghiệp quốc gia và cả nền kinh tế, trước yêu cầu xây dựng, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh của đất nước để đánh giá toàn diện, làm rõ hơn về sự cần thiết ban hành Luật.
Ủy ban cũng đề nghị làm rõ tổ hợp công nghiệp quốc phòng là cơ cấu tổ chức hay phương thức vận hành.
Các thành tố của tổ hợp công nghiệp quốc phòng an ninh liên hệ, gắn kết với nhau như thế nào để đưa công nghiệp quốc phòng thực sự thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
Về bảo đảm nguồn lực để phát triển, Ủy ban cơ bản nhất trí với dự thảo Luật quy định nguồn lực tài chính do ngân sách bảo đảm.
Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn thì việc huy động các nguồn hợp pháp khác như từ các quỹ, nguồn vay, tài trợ, trích lập sau thuế là phù hợp.
Đây sẽ là nền tảng vật chất quan trọng để bảo đảm công nghiệp quốc phòng an ninh song Chính phủ dự kiến sẽ không quy định về "nguồn vốn chuyên biệt" mà thay bằng "nguồn vốn hợp pháp khác".
"Đây là vấn đề mới, việc triển khai phải gắn với chế độ bảo mật, do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để phù hợp với thực tiễn và thống nhất trong hệ thống pháp luật", theo ông Tới.
Cũng trong báo cáo, Ủy ban đề nghị nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tham gia động viên công nghiệp.
Đồng thời, cần bổ sung quy định trách nhiệm, cách thức xử lý khi doanh nghiệp được giao nhiệm vụ, đặt dây chuyền động viên công nghiệp phá sản hoặc giải thể để không ảnh hưởng đến tài sản nhà nước và nhiệm vụ quốc phòng an ninh .
Về trách nhiệm quản lý nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban đề nghị rà soát lại quy định trách nhiệm của các bộ cho phù hợp và chỉ quy định trách nhiệm của một số bộ có tính chất đặc thù về công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp.
Đồng thời, đề nghị nghiên cứu hình thành mô hình cơ quan quản lý nhà nước để điều phối hoạt động công nghiệp quốc phòng an ninh, thúc đẩy sự gắn kết với công nghiệp quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận