Chuyển đổi đất trái quy định
Sau khi kỷ luật nhiều cán bộ, UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hoà) tiếp tục ký 4 quyết định về việc hủy quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn từ đất nông nghiệp sang đất ở với diện tích hơn 8.200m2.
Đơn cử như trường hợp bà Đỗ Thị Như Trâm chuyển mục đích sử dụng đất tại thửa đất số 322, tờ bản đồ số 12 (được tách ra từ thửa 320, tờ bản đồ số 12) tại thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây từ đất nuôi trồng thủy sản để sử dụng vào mục đích đất ở nông thôn với diện tích 2.000 m².
60 lô đất tại xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây được rao bán rầm rộ sau khi phân lô, tách thửa
Theo đó, từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để UBND huyện tự đặt ra thủ tục “hiến đất” làm đường không đúng thẩm quyền của UBND huyện, không nghiêm túc chấp hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Từ đó, vi phạm quy định pháp luật về đất đai... UBKT Tỉnh ủy Khánh Hoà quyết định kỷ luật nhiều cán bộ, lãnh đạo huyện Cam Lâm.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Khánh Hoà tổ chức Hội nghị lần thứ 14 và thông qua kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm cùng với kết quả xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm và 8 cán bộ, lãnh đạo huyện này qua các thời kỳ.
UBND huyện Cam Lâm giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chuyển thông tin đến Chi cục thuế Khu vực Nam Khánh Hòa hoàn trả lại số tiền thuế và lệ phí trước bạ việc chuyển mục đích sử dụng đất mà các cá nhân trên đã nộp vào ngân sách nhà nước.
Giao Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Cam Lâm hủy thông tin chính lý hồ sơ địa chính đối với hồ sơ chuyển mục đích tại các thửa đất nói trên.
Trả lời báo chí, lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm cho biết, hiện nay, số trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất khá lớn. Huyện đang làm theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy để hủy các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai quy định pháp luật. Tuy nhiên, muốn hủy thì phải xem xét từng trường hợp. Muốn hủy thì đầu tiên phải hủy cho phép làm đường, khi con đường không còn nữa thì mới đủ điều kiện hủy đất ở. Huyện vẫn đang tiếp tục rà soát để xử lý các trường hợp theo đúng quy định pháp luật.
Pháp luật đất đai đang được thực thi đúng đắn
Trao đổi với PV Báo Giao thông về nội dung này, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hoà cho biết, theo quy định Luật Đất đai 2013, việc UBND huyện Cam Lâm chấp thuận phương án tách thửa với số lượng lớn nhưng không xem xét đến quy định về kinh doanh bất động sản.
Dựa vào tài liệu do UBND huyện Cam Lâm cung cấp, có thể thấy hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất do Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND huyện Cam Lâm cho phép chuyển mục đích sử dụng của các khu đất nêu trên chưa đầy đủ thành phần hồ sơ, trong đó thiếu văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất.
Theo Điều 143, 144, Luật Đất đai quy định về chế độ sử dụng đất đối với đất ở phải phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị (đối với đất ở tại đô thị), quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (đối với đất ở nông thôn).
Từ đó có thể thấy việc UBND huyện Cam Lâm xem xét, cho phép người sử dụng đất được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các khu vực trên là chưa phù hợp với quy định.
Việc “hiến đất” nhằm phục vụ cho nhu cầu cá nhân để thực hiện phân lô, bán nền, không phải là việc tặng cho quyền sử dụng đất để Nhà nước thực hiện các công trình công cộng vì mục đích chung theo quy định; đồng thời cũng không phù hợp với quy định về trường hợp người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất do không còn nhu cầu sử dụng đất theo quy định (Điều 65, Luật Đất đai).
Do đó, UBND huyện Cam Lâm tiến hành hủy các quyết định tiến hành chuyển mục đích sử dụng đất là đúng. Các hộ dân có tên trong quyết định phải nghiêm túc chấp hành.
Cũng theo Luật sư Hoàng Tùng, đối với những thửa đất sau khi chuyển đổi, tách thửa, phân lô và đã phát sinh giao dịch chuyển nhượng, những người mua lại đất từ những người dân này sẽ làm việc với nhau. Trường hợp hai bên không tự thỏa thuận được thì đưa ra Tòa giải quyết.
Đơn vị môi giới bất động sản nếu có trong sự việc cũng không thể đứng ngoài cuộc. Bởi chính họ đóng vai trò đưa phân lô bán nền đến tay người dân. Đơn vị môi giới nào tổ chức chuyển đổi, mua bán đất phân lô bán nền sẽ phải trả lại tiền cho người dân.
Hà Nội cần làm rõ việc chuyển đổi "đất thổ cư"
Liên quan đến phản ánh của Báo Giao thông về việc hàng trăm nghìn m2 đất trồng cây lâu năm, từng vi phạm do người dân tự chuyển đổi mục đích đất; Sau đó Hà Nội cho chuyển đổi sang thành đất ở dưới danh nghĩa "Đất thổ cư", từ đó hình thành những dự án phân lô bán nền tự phát.
Luật sư Hoàng Tùng cho biết, theo Điều 57 Luật đất đai 2013, quy định về chuyển mục đích sử dụng đất thì các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhưng trong đấy không có quy định nào cho trường hợp chuyển từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở dưới danh nghĩa "đất thổ cư". Điều này dẫn đến việc một diện tích lớn đất trồng cây “biến” thành đất ở, sau đó được phân lô để bán.
Đất đai được phân loại thành 3 nhóm gồm: Phi nông nghiệp, nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng. Đất ở có 2 loại là đất ở đô thị và đất ở nông thôn. Như vậy, pháp luật đất đai hiện hành không có loại đất nào gọi là “đất thổ cư”.
“Đất thổ cư” vốn được sử dụng từ trước Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực. Nó chỉ có chức năng giải quyết vấn đề liên quan đến đất đai trước năm 1993.
"Do đó, việc chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở dưới danh nghĩa “đất thổ cư” là trái với quy định của luật đất đai hiện hành. TP Hà Nội cần làm rõ khái niệm đất thổ cư, điều kiện thoả mãn đất thổ cư thuộc đối tượng được chuyển đổi", Luật sư Tùng kiến nghị.
Trước đó, Báo Giao thông đăng tài bài viết: "Hệ lụy từ mập mờ “đất thổ cư”: Đất trồng cây thành đất ở, rầm rộ phân lô", phán ánh về việc, hàng trăm nghìn m2 đất trồng cây, đất vi phạm tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng vẫn được hợp thức cấp chứng nhận và chuyển đổi sang đất ở dưới danh nghĩa "đất thổ cư". Sau đó, tiếp tục được phân lô, tách thửa, hình thành những dự án "chui" hàng trăm lô. Đáng nói, cụm từ "đất thổ cư" không được sử dụng trong Luật Đất đai 2013 hiện hành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận