Pháp luật

Huyện thua kiện giáo viên, chây ì bồi thường tiền tỷ

18/11/2023, 06:48

Thua kiện nhóm giáo viên bị chấm dứt hợp đồng, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk xin tỉnh hơn 2 tỷ đồng để trả nhưng bị bác. Huyện đang xác định cá nhân cán bộ phải chịu trách nhiệm bồi thường, trong khi các giáo viên thắng kiện mòn mỏi chờ hơn một năm qua.

Đi bán nước, làm công nhân kiếm sống

Trở về Đắk Lắk sau gần 3 năm xách balo đi TP.HCM kiếm sống, cô giáo Trịnh Thị Bích Hạnh (nguyên giáo viên môn hóa, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai) được người thân cho mượn căn nhà cũ nằm ven quốc lộ 26 (thuộc xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) để mở quán nước, kiếm thu nhập trang trải cuộc sống và chăm sóc đứa con gần 3 tuổi.

Cô giáo Hạnh tâm sự: "Ngày bị chấm dứt hợp đồng, rời bục giảng, hai vợ chồng em thất nghiệp, ở nhà không có việc làm nên rủ nhau vào TP.HCM tìm việc. Em may mắn xin được vào một trường mầm non, còn chồng cũng nguyên là giáo viên dạy tin học cùng trường phải đi làm đủ nghề kiếm sống. Không trụ được, hai vợ chồng quay về quê".

Huyện thua kiện giáo viên, chây ì bồi thường tiền tỷ - Ảnh 1.

Cô giáo Trịnh Thị Bích Hạnh đang mong chờ khoản tiền đền bù hơn 238 triệu đồng để ổn định cuộc sống.

Cô Hạnh cho hay, 5 năm đứng bục giảng, gắn bó với học sinh nhưng bất ngờ bị chấm dứt hợp đồng, vợ chồng cô hụt hẫng: "Lỗi sai không thuộc về giáo viên, kiện là việc bất đắc dĩ để đòi quyền lợi. Ròng rã mấy năm đi kiện, cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên vợ chồng tôi cùng 4 giáo viên khác thắng kiện nhưng mãi đến giờ vẫn không được thi hành án".

Vợ chồng cô Hạnh vẫn chờ đợi trong vô vọng. Mỗi tối, chồng cô đi đóng gói nghệ thuê đến 3h sáng mới về. Còn cô bán quán nước kiếm tiền đi chợ hằng ngày. "Giờ chỉ mong huyện sớm thi hành án để vợ chồng có chút vốn làm ăn, nuôi con ăn học chứ cuộc sống khó khăn không biết bám víu vào đâu", cô Hạnh mong mỏi.

Cùng chung hoàn cảnh, năm 2018, thầy Lương Văn Chinh (nguyên giáo viên cùng trường với vợ chồng cô Hạnh) bị chấm dứt hợp đồng, mất việc, phải vào Bình Dương làm công nhân. Công việc vất vả nhưng anh cũng không còn sự lựa chọn nào khác. Anh mong huyện sớm thi hành án để có tiền quay về quê, kiếm công việc gì đó làm cho gần gia đình.

Tương tự, anh Nguyễn Ánh Dương (nguyên giáo viên môn hóa, trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai) chia sẻ: "Năm 2017, tôi bất ngờ bị chấm dứt hợp đồng sau gần 4 năm gắn bó với học sinh. Thất nghiệp, tôi xin đi học nghề thợ sắt để kiếm kế mưu sinh. Lương hai vợ chồng chỉ hơn chục triệu đồng mỗi tháng, trong khi 3 đứa con đang tuổi ăn học nên rất khó khăn. Ngày nào tôi cũng ngóng khoản tiền đền bù hơn 300 triệu đồng, nhưng chẳng thấy tăm hơi gì".

Chây ì bồi thường

Theo nội dung vụ kiện, ngày 17/10/2013, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk lúc đó là ông Nguyễn Sỹ Kỷ ký quyết định về việc hợp đồng lao động đối với thầy Nguyễn Ánh Dương (SN 1986, nguyên giáo viên hóa học) để bố trí giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai.

Huyện thua kiện giáo viên, chây ì bồi thường tiền tỷ - Ảnh 2.

Thầy Nguyễn Ánh Dương sau khi rời bục giảng đang mưu sinh bằng nghề thợ sắt.

Tuy nhiên, đầu năm 2017, nhà trường bất ngờ không phân công thầy Dương đứng lớp, không trả lương. Các giáo viên còn lại cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Theo TAND huyện Krông Pắk, việc nhà trường cho các giáo viên trên nghỉ việc là trái luật. Vì thế, tòa buộc UBND huyện Krông Pắk liên đới bồi thường cho 6 giáo viên tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng cùng tiền lãi suất.

Tháng 8/2022, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắk đã có quyết định thi hành án. Tuy nhiên, từ đó đến nay 6 giáo viên vẫn chờ đợi trong vô vọng.

Theo Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Krông Pắk, ngày 25/10/2022, chi cục đã có công văn đề nghị chủ tịch UBND huyện Krông Pắk và Huyện ủy Krông Pắk chỉ đạo thực hiện nghĩa vụ thi hành án, tuy nhiên đến nay chưa có kết quả.

Vừa qua, UBND huyện Krông Pắk đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk xem xét, hỗ trợ kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng để thi hành án và nộp án phí.

Tuy nhiên, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết, Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản trả lời không thể bổ sung khoản kinh phí này. Trong khi đó, không có quy định nào được phép lấy ngân sách từ huyện để chi trả khoản tiền trên.

"Huyện đang nghiên cứu phương án để thực hiện các bản án về việc bồi thường, chi trả cho 6 giáo viên thắng kiện và án phí.

Ngoài ra, huyện đang thành lập tổ công tác, trong đó mời các sở, ban ngành liên quan hỗ trợ. Trong đó, sẽ xác định các vi phạm rơi vào thời điểm nào, thuộc cá nhân nào thì có thể yêu cầu cá nhân đó chịu trách nhiệm bồi thường", bà Trinh cho biết.

Theo luật sư Dương Lê Sơn, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, mọi bản án, quyết định của tòa đã có hiệu lực phải được thi hành.

Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ có liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của tòa án phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu không, có thể bị xem xét xử lý về tội "Không thi hành án".

Với cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án mà cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Trong vụ việc này 6 giáo viên đã yêu cầu thi hành án thì phải tổ chức thi hành án theo đúng nội dung quyết định của bản án, không thể đùn đẩy trách nhiệm. Bản án không tuyên cá nhân nào phải bồi thường", luật sư nêu quan điểm.

Qua hai đời chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, trên địa bàn đã tuyển ồ ạt giáo viên, dẫn đến tình trạng dôi dư trên 500 giáo viên. Trong đó, 5 giáo viên trong vụ kiện trên cũng là nạn nhân của vụ việc này.
Ông Nguyễn Sỹ Kỷ (Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011-2015) đã ký hơn 400 hợp đồng lao động với các giáo viên và ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk kế nhiệm) ký tuyển dụng thêm 197 hợp đồng giáo viên, nhân viên trường học, giáo viên trên địa bàn đã dôi dư.
Với những vi phạm trên, năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã kỷ luật khiển trách ông Y Suôn Byă. Ông Nguyễn Sỹ Kỷ bị kỷ luật cảnh cáo khi đang giữ chức Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk (hiện đã nghỉ hưu).
Riêng số lượng giáo viên dôi dư, chỉ có 28 người được tuyển dụng, số còn lại trên 500 người đã bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.