Xã hội

Huyện xây tượng đài 48 tỷ, người Ba Na buồn vì chuyện phù điêu

05/07/2020, 15:10

Huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định) đang khẩn trương xây dựng tượng đài 48 tỷ nhưng nhiều chi tiết điêu khắc được cho là không hợp lý.

img
Tượng đài được đầu tư xây dựng với kinh phí 48 tỷ đồng

Huyện Vĩnh Thạnh, một trong 3 huyện miền núi nghèo của tỉnh Bình Định, đang khẩn trương hoàn thành tượng đài Khởi Nghĩa Vĩnh Thạnh nhằm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII trong tháng 8/2020 với vốn đầu tư hơn 48 tỷ đồng.

Báo cáo của UBND huyện Vĩnh Thạnh cho hay, công trình tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh được xây dựng trên diện tích khuôn viên hơn 3.000 m2, trong đó phần tượng đài có chiều cao 20m, phần thân tượng đài cao 15,5 m, phần bục cao 4,5 m, sử dụng chất liệu đá nguyên khối.

Phần chính của tượng đài là hình ảnh điêu khắc phác họa tình quân dân hai làng Tơlok, Tơlek tự trang bị vũ khí đứng lên chống lại chế độ Mỹ - Diệm, tái hiện cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh cách đây hơn 60 năm. Kết cấu sân, mặt bậc cấp khuôn viên công trình được thi công bằng bê tông và hoàn thiện lát đá granit tạo hoa văn và lan can xung quanh được làm bằng đá.

Tượng đài có tổng mức đầu tư xây dựng hơn 48 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% và huyện Vĩnh Thạnh huy động từ các nguồn vốn xã hội hóa khác. Đến nay, các hạng mục lắp đặt phần phù điêu, phần móng bệ tượng; bê tông và xây đá nền móng xung quanh sân; bê tông và lát nền vỉa hè xung quanh; phần lan can; lát nền sân đã cơ bản hoàn thành.

Đơn vị thi công đang tiếp tục các hạng mục lắp đặt phần tượng đá, ốp đá lan can, tường móng mặt ngoài sân. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 7/2020.

img
Hình ảnh điêu khắc trên tượng đài

Tuy nhiên, dù dược đầu tư số tiền lên đến gần 50 tỷ, nhưng theo Nghệ nhân Yang Danh (người đồng bào Ba Na), Chi hội trưởng Chi hội các dân tộc thiểu số (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định) cho biết nhiều chi tiết điêu khắc, phù điêu của tượng đài chưa phải của người Ba Na.

"Thứ nhất là hình ảnh cái rìu. Người Ba Na chúng tôi cầm giáo, mác khi tham gia cuộc khởi nghĩa chứ không bao giờ cầm rìu cả. Thứ hai, người Ba Na mặc váy hở chứ không phải váy kín như đồng bằng, hoa văn cũng không phải của người Ba Na. Dáng đứng trên tượng đài là dáng đứng bắn súng, cũng không phải của người Ba Na. Người Ba Na chúng tôi đứng dáng bắn nỏ, bắn ná khác hẳn", nghệ nhân Yang Dang khẳng định.

Nghệ nhân Yang Danh chia sẻ thêm, ông và nhiều già làng người Ba Na chưa tán thành lắm. Tuy nhiên, chỉ có ý kiến lên lãnh đạo chứ không phải phản đối. "Xây dựng được tượng đài thì chúng tôi vui mừng. Nhưng phải xây đúng theo truyền thống của người Ba Na chứ nếu không đúng đồng bào buồn lắm".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.