Hồ sơ tài liệu

Hy Lạp sẽ tạm rời Eurozone?

13/07/2015, 07:11

Hy Lạp đã phải nhượng bộ trước các chủ nợ để thoát cảnh phá sản, nhưng mọi việc vẫn còn rất khó khăn.

 

Hang dai
Hàng dài người hưu trí xếp hàng rút tiền tại các cột ATM và ngân hàng.

Nhượng bộ

Hôm qua (12/7), Hội nghị Thượng định khẩn cấp Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp để bàn về tương lai của Hy Lạp. Tại đây, khủng hoảng nợ của Hy Lạp kết thúc hay còn kéo dài sẽ phụ thuộc vào việc Thủ tướng Alexis Tsipras có đạt được thỏa thuận với các đối tác chủ nợ hay không.

Các bộ trưởng Eurozone đã yêu cầu Hy Lạp ngay lập tức thông qua và thực hiện các chương trình cải cách ngay đầu tuần này - như một động thái tạo niềm tin cho một gói cứu trợ thứ ba.

Hiện vẫn còn nhiều nước trong 18 thành viên Eurozone chưa đồng ý với danh mục các biện pháp cải cách và thắt lưng buộc bụng mới của Chính phủ Hy Lạp. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble gợi ý để Hy Lạp tạm rời Eurozone một thời gian. Theo ông Schäuble thì những đề xuất của Athens vẫn thiếu những cải cách quan trọng và do vậy không thể đảm bảo cho gói cứu trợ thứ ba cho nước này. Thay vào đó, ông đề nghị kế hoạch 2 điểm, gồm: Thứ nhất, Hy Lạp tạm rời Eurozone trong ít nhất 5 năm tới và trong thời gian này có thể tiến hành tái cơ cấu nợ.

Nếu không thỏa thuận được với các chủ nợ,  rất có thể Hy Lạp sẽ ngả về Nga và cuộc khủng hoảng sẽ trở thành vấn đề với an ninh của Mỹ. Vì thế, Washington cần phải tích cực hơn nữa, nếu không Nga sẽ nhanh chân củng cố quan hệ với một thành viên trong NATO”.

Hery Nau - Cựu thành viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ

Ngoài ra, theo phương án này, Hy Lạp cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ về nhân đạo, kỹ thuật và kinh tế từ EU. Thứ hai, Hy Lạp cần cải thiện các đề xuất của họ một cách “nhanh chóng và đáng kể” với sự ủng hộ của Quốc hội nước này, trong đó cần chuyển các tài sản có giá trị 50 tỷ euro cho một quỹ độc lập, để dần tư nhân hóa và giảm nợ; tự động cắt giảm chi tiêu nếu không thể đạt mục tiêu về giữ mức thâm hụt ngân sách; xây dựng khả năng và phi chính trị các công việc hành chính.

Báo giới cho biết, đề xuất trên đã được 6 nước (Hà Lan, Phần Lan, Estonia, Litva, Slovakia và Slovenia) ủng hộ. Trong khi đó, hãng tin Xinhua dẫn số liệu điều tra của hãng phân tích Metron sau trưng cầu dân ý  cho thấy: 75% người được hỏi muốn đạt được thỏa thuận nợ; 85% muốn Hy Lạp ở lại Eurozone.

20 năm trả nợ

Trước đó, cuối tuần vừa rồi, với  251 phiếu thuận so với 32 phiếu chống, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua gói cải cách mà Thủ tướng Alexis Tsipras trình theo yêu cầu của các chủ nợ để nhận gói cứu trợ mới trị giá 75 tỷ euro, theo Reuters. Gói cải cách mới bao gồm: Cải cách lương hưu, tăng tuổi về hưu, tăng thuế nhằm đạt 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và cam kết thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất như Tập đoàn Viễn thông OTE, cảng biển Piraeus và Thessaloniki, cắt giảm chi tiêu quân sự tổng cộng 300 triệu euro từ nay đến hết năm 2016, bãi bỏ miễn 30% thuế cho các hòn đảo giàu có thu hút đông khách du lịch nhất của đất nước.

Chuyên gia kinh tế của Trung tâm cải cách châu Âu (CER) Simon Tilford nhận định: “Vấn đề nợ công của Hy Lạp hiện đã trở nên trầm trọng hơn nhiều so với 5 năm trước, thời điểm mà quốc gia này mới sa vào khủng hoảng. Suy thoái kinh tế là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình cảnh này. Tăng trưởng kinh tế 1,6% mới chỉ bắt đầu xuất hiện từ năm 2014 và với tốc độ này phải 20 năm nữa, Hy Lạp mới cơ bản trả được số nợ mà họ đang gánh”.

Khủng hoảng Hy Lạp cũng được cho là cơ hội của Nga. Ông Luke Coffey - Chuyên gia Heritage Foundation nhận định: “Nếu Nga trợ giúp tài chính cho Hy Lạp, tức Moscow sẽ có nhiều cơ hội để thâm nhập và kiểm soát các cảng biển lớn tại Địa Trung Hải. Không những thế, Hy Lạp đang là thành viên NATO và những quyết định của NATO liên quan đến Nga nhiều khả năng sẽ bị ngăn chặn vì nguyên tắc “tuyệt đối đồng thuận” của khối này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.