Y tế

Hy vọng cho những người khổ vì “quá khổ”

23/10/2022, 06:23

Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ mà còn thường đi kèm các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, xơ gan, vô sinh…

Đây là một bệnh mạn tính, cần được điều trị sớm.

Trầm cảm, vô sinh… vì bị béo phì

img

Một bệnh nhân béo phì đang được thăm khám, tư vấn điều trị

Tìm đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chị N.T.N., (30 tuổi, ở Nghệ An) được xác định béo phì độ 3 với cân nặng xấp xỉ 100kg, khi chiều cao chỉ 1,6m.

Thân hình “quá khổ” lại kèm thêm huyết áp cao và mỡ máu, chị N. luôn cảm thấy mệt mỏi trong công việc và sinh hoạt hàng ngày.

Mặc dù chị đã sử dụng nhiều biện pháp giảm cân như tập luyện thể thao, uống thuốc giảm cân… nhưng không có kết quả. Điều đó khiến chị N. càng thêm chán nản, ngại giao tiếp với mọi người.

“Đi khám, các bác sĩ đều khuyến cáo cần phải giảm cân mới giảm được huyết áp với mỡ máu. Nhưng khó quá, nếu cứ đà này, chắc chưa thể dừng ở số cân hiện tại”, chị N. cho biết.

Theo TS. BS. Bùi Thanh Phúc, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trường hợp như chị N. không phải hiếm gặp.

Tại đây đã từng tiếp nhận một bệnh nhân là nữ giảng viên đại học đến khám với cân nặng 100kg. Không chỉ béo phì, bệnh nhân này còn mắc trầm cảm vì suy nghĩ tiêu cực, tự ti, sau khi đã cố gắng giảm cân bằng nhiều phương pháp.

“Khi biết thông tin Bệnh viện Việt Đức chữa béo phì bằng phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt đai dạ dày, nữ giảng viên được người nhà đưa đến thăm khám. Sau can thiệp, nữ giảng viên đã giảm gần 30kg, dần lấy lại được vóc dáng, giúp tinh thần vui vẻ, tự tin hơn. Cũng nhờ vậy, chứng trầm cảm của bệnh nhân cũng đỡ hơn rất nhiều”, BS. Phúc thông tin.

Tương tự, chị N.T.H.L (37 tuổi, ở Hà Nội) cũng khổ sở vì phát phì sau khi sinh con thứ hai, từ 58kg tăng vọt lên 95kg.

Đi kèm với béo phì là các bệnh tiểu đường, mỡ máu, rối loạn kinh nguyệt. Đã thử nhiều biện pháp giảm béo nhưng không thành, cuối cùng qua tư vấn, chị quyết định can thiệp thu nhỏ dạ dày.

Sau 8 tháng phẫu thuật, chị L. đã giảm được 20kg, tình trạng rối loạn kinh nguyệt không còn, đường huyết trở về bình thường.

Bệnh nhân T.T.P (39 tuổi, ở Ninh Bình) cũng tăng cân vù vù sau khi sinh con thứ nhất, từ 54kg lên xấp xỉ 90kg.

Dù mong muốn sinh thêm con nhưng mọi cố gắng đều bất thành. Đi khám nhiều bệnh viện, chị P. đều nhận kết luận vô sinh thứ phát không rõ nguyên nhân. Bất ngờ, sau khi can thiệp chữa béo phì được gần 2 năm, chị P. báo tin vui đã được làm mẹ lần thứ hai.

Theo GS. TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thừa cân, béo phì đang trở thành căn bệnh báo động tại Việt Nam. Tỷ lệ bệnh nhân tới khám và tư vấn phẫu thuật tại bệnh viện tăng nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nhiều người còn nhầm lẫn giữa thừa cân và béo phì.

Người bình thường chỉ số BMI từ 20 - 25 (chỉ số BMI là lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao). Khi thừa cân, chỉ số BMI là 25 - 30; nếu béo phì, chỉ số này trên 30.

Người mắc bệnh béo phì là khi có chỉ số BMI trên 40 và bệnh béo phì nặng BMI trên 50.

Đáng nói, béo phì là nguyên nhân gây ra bệnh lý huyết áp cao, mạch vành tim, xơ vữa động mạnh, nhiễm mỡ gan, xơ gan, xương khớp, rối loạn kinh nguyệt, thậm chí là vô sinh, trầm cảm… và gây gia tăng tỷ lệ tử vong.

Khi nào béo phì cần can thiệp dạ dày?

TS. BS. Võ Duy Long, Phó trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, hiện có các phương pháp điển hình thường áp dụng cho người bệnh béo phì như thay đổi lối sống, dùng thuốc và phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày. Tùy vào từng thể trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng phác đồ điều trị phù hợp.

Béo phì là một bệnh lý cần được điều trị. Tuy nhiên, các phương pháp như giảm chế độ ăn, tập luyện cường độ cao, dùng thuốc không có tác dụng về mặt lâu dài. Béo phì có thể giảm xuống trong một vài tháng đến 1 - 2 năm nhưng sau 5 năm có tới 95% các trường hợp béo phì này quay trở lại cân nặng lúc ban đầu, thậm chí tăng hơn. Chính vì vậy việc điều trị ngoại khoa về lâu dài có kết quả rất khả quan.

GS. TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức


Khi biện pháp thay đổi lối sống không hiệu quả, người béo phì kèm bệnh lý khác đi kèm sẽ được chỉ định sử dụng thuốc.

Còn phương pháp phẫu thuật dành cho người bệnh có BMI từ 35 trở lên. Phương pháp này chỉ áp dụng khi các phương pháp điều trị nội khoa, thay đổi lối sống không hiệu quả.

Chia sẻ thêm về can thiệp ngoại khoa điều trị béo phì, BS. Thanh Phúc cho biết, hiện có 2 phương pháp gồm đặt vòng thắt dạ dày qua nội soi và phẫu thuật nội soi cắt dạ dày hình ống.

Với phương pháp vòng thắt dạ dày nhằm thu nhỏ lại một phần dạ dày để chứa thức ăn, ưu điểm là không cắt đi phần nào của dạ dày, đến lúc không thích có thể tháo vòng ra.

Tuy nhiên, với phương pháp này, người bệnh chỉ ăn một chút là no, ăn phải nhai kỹ, không được uống rượu bia, nước ngọt có ga… gây bó hẹp cuộc sống sinh hoạt.

Hiện, nhiều người bệnh chọn lựa phương pháp cắt đi một phần lớn dạ dày. Đây là phương pháp giảm cân tốt và bền vững, ít biến chứng, thời gian nằm viện ngắn, nhanh phục hồi.

Tuy nhiên, phẫu thuật không kèm theo chế độ ăn và sinh hoạt phù hợp sẽ dẫn tới thất bại. Đi kèm với phẫu thuật là việc theo dõi lâu dài, có vật lý trị liệu, cũng như cần có chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn chế độ ăn.

Theo BS. Trần Bình Giang, phẫu thuật thu nhỏ dạ dày là phương pháp chữa bệnh chủ động và bền vững, có tác dụng làm giảm cân nặng và điều trị các bệnh phối hợp có hiệu quả, làm giảm 90% tỷ lệ tử vong ở người béo phì.

Trong khi đó, BS. Võ Duy Long khuyến cáo, nếu người bệnh béo phì không tuân thủ điều trị sẽ có nhiều nguy cơ bị tăng cân trở lại.

Với những người chỉ số BMI trên 30, tuổi thọ giảm trên 3 năm và tăng dần, kèm nhiều bệnh lý khác. Chính vì vậy, giảm cân hiệu quả vẫn cần được theo dõi chặt chẽ từ bác sĩ với sự phối hợp đồng bộ đa chuyên khoa mới có thể đạt hiệu quả tối đa và an toàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.