Thế giới giao thông

Indonesia cảnh báo sẽ mời Nhật thay Trung Quốc xây dự án đường sắt cao tốc

09/06/2020, 11:30

Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia dự kiến lập kế hoạch và đề xuất dự án với Nhật Bản sau khi hoàn thành.

img
Một đoạn hầm nằm trong dự án đường sắt cao tốc ở Indonesia do nhà thầu Trung Quốc xây dựng.

Theo báo Nikkei, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi tuyên bố rằng chính phủ nước này đang thảo luận khả năng mời nhà thầu Nhật Bản tham gia vào dự án đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung đang chậm tiến độ và đội vốn do Trung Quốc xây dựng, với hy vọng thúc đẩy tiến độ của dự án quan trọng.

Nhật Bản là đối tác thương mại quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng của Indonesia, hợp tác sẽ giúp kết nối các thành phố của nước này và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, Ngoại trưởng Indonesia Marsudi nói.

Đề xuất mới sẽ kết hợp dự án xây dựng tuyến đường sắt Bandung - Surabaya, dự án mà nhà thầu Nhật Bản thua trước đối thủ Trung Quốc năm 2015, với một dự án nâng cấp tuyến đường hiện tại dài 750 km kết nối Jakarta và Surabaya do Nhật Bản thực hiện.

Nhiều quan chức trong chính phủ Indonesia cho rằng xây dựng một tuyến đường sắt riêng chạy từ Bandung tới Surabaya sẽ hiệu quả hơn so với xây dựng nhiều tuyến đường từ thủ đô chạy về phía đông và đông nam. Dự án Jakarta - Bandung đội vốn đã củng cố thêm quan điểm này.

Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia dự kiến lập kế hoạch và đề xuất dự án với Nhật Bản sau khi hoàn thành.

Trung Quốc trúng thầu dự án đường sắt Jakarta - Bandung bằng kế hoạch không cần chính phủ Indonesia đóng góp tài chính. Tuyến đường sắt cao tốc dài 140 km dự kiến giảm thời gian di chuyển giữa hai thành phố từ 3,5 tiếng xuống 45 phút. Lễ khởi công bắt đầu vào tháng 1/2016, dự kiến hoàn thành năm 2019.

Trung Quốc vốn coi dự án là một phần quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Tháng 6/2019, trong một cuộc họp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh hai nước cần vững vàng xây dựng và nâng cao chất lượng hợp tác theo “Sáng kiến Vành đai và Con đường".

Tuy nhiên, sự chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, điều kiện để Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cung cấp 75% vốn cho dự án, đã khiến dự án bị chậm tiến độ tới năm 2021. Gần đây, việc xây dựng cũng bị dừng lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.