Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông Mai Liêm Trực - Ảnh: Hoàng Ngân |
20 năm trước, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông Mai Liêm Trực là một trong những người đầu tiên quyết tâm đưa Internet vào Việt Nam. Mới đây, ông được vinh danh là một trong 10 cá nhân có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của internet nước nhà.
Câu nói của Thủ tướng và trách nhiệm nặng nề
Từ những năm 90, ông được cho là người đầu tàu trong việc thuyết phục và dám “thế chấp” chiếc ghế Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện của mình để tạo niềm tin cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước đưa Internet vào Việt Nam năm 1997. Thời ấy, ông gặp phải những khó khăn gì?
Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với Internet vào năm 1991, trong một hội nghị quốc tế tại Washington DC. Hình ảnh một số đoàn lãnh đạo sử dụng máy tính, bấm bấm vài thao tác đơn giản đã có thể gửi đi các dữ liệu. Vậy mà nhìn vào thực tế trong nước lúc ấy, công tác phát hành thư báo, dữ liệu nội bộ còn khó khăn chứ chưa nói tới đi ra quốc tế. Và tôi tự nhủ, nhất định phải đưa Internet về Việt Nam.
"Không tài nào hình dung nổi. Ngày đầu đưa Internet vào Việt Nam, tôi mới chỉ nghĩ giản đơn sẽ giải quyết được những vất vả của công việc vận chuyển thư tín, tài liệu… Nhìn lại 20 năm qua, Internet Việt Nam đã có bước phát triển rất ngoạn mục. Từ lúc chỉ có 1,8 triệu người sử dụng Internet, đến nay Việt Nam đã có hơn 50 triệu người sử dụng Internet, chiếm tới 54% dân số và đã trở thành quốc gia đứng thứ 14 thế giới về số người sử dụng Internet nhiều nhất. Đáng nói là, chất lượng đường truyền và giá cước sử dụng cũng tương đương với các nước phát triển." Ông Mai Liêm Trực |
Muốn đưa Internet vào hoạt động, Việt Nam phải đáp ứng 3 điều kiện: Trước hết mạng viễn thông phải số hóa và tự động hóa, kết nối trong nước cũng như thế giới qua các đài vệ tinh. Thứ hai, phải có đơn vị nắm được kỹ thuật công nghệ Internet; xây dựng cơ sở vật chất từ cổng kết nối tới hệ thống sever… Cuối cùng, cũng là điều kiện quan trọng nhất phải được sự chấp thuận của lãnh đạo cao cấp Đảng, Nhà nước và Chính phủ, bởi thời đó tư duy quản lý vẫn coi Internet là cái mới, nhạy cảm. Xuất hiện nhiều lo ngại cấp cao về lộ bí mật Nhà nước, ảnh hưởng tới chủ quyền, an ninh quốc gia; văn hóa đồi trụy xâm nhập… Chỉ từ sự đồng thuận cấp cao, mới nghĩ tới việc xây dựng hành lang pháp lý, quy định vấn đề kỹ thuật nghiệp vụ để quản lý Internet…
Để có cơ sở thuyết phục, chúng tôi phải tìm tòi hiểu sâu cách thức Internet hoạt động; Đồng thời, nêu rõ những biện pháp hạn chế tiêu cực. Không biết bao nhiêu cuộc họp chính thức và phi chính thức giữa các bộ, ngành. Ai hỏi gì chúng tôi giải đáp nấy, rồi cuối cùng cũng trình được báo cáo lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ngay sau đó, Thủ tướng đã ra quyết định thành lập Ban điều phối quốc gia mạng Internet với hơn 10 thành viên. May mắn đến với chúng tôi khi tại thời điểm đó, trong nước đã có một số nghiên cứu đặc biệt và thí nghiệm về cơ sở kết nối Internet của Viện Công nghệ và Thông tin, FPT… Từ đó, chúng tôi mới có điều kiện chạy thử và trình diện Internet cho các cấp lãnh đạo xem thử. Minh chứng thuyết phục nhất chính là khi lá thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi bằng Internet thành công cho Thủ tướng Thụy Điển vào năm 1994.
Tuy nhiên, tất cả vẫn dừng ở mức thử nghiệm, tôi còn nhớ trước khi Internet chính thức hoạt động, tôi và anh Nguyễn Khánh Toàn (nguyên Thứ trưởng Bộ Công an - PV) đã có cuộc báo cáo thuyết trình với Thường trực Bộ Chính trị. Chốt lại buổi báo cáo, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ngày ấy đặt câu hỏi: Liệu có ngăn chặn được lộ bí mật Nhà nước hay không? Anh Toàn ngập ngừng đáp: “Về mặt văn bản là chặt chẽ”. Về phần mình, tôi thẳng thắn báo cáo: “Không thể nào ngăn chặn hết, chỉ có thể sử dụng những biện pháp để hạn chế mà thôi. Thực tế, ngay cả với biện pháp gửi thư tín qua đường bưu điện vẫn có nguy cơ bị lộ”.
Đó có phải là quãng thời gian ông mất ăn mất ngủ với Internet?
Không những tôi mà rất nhiều người đều mất ăn mất ngủ. Còn nhớ năm 1996, Thái Lan đã kết nối Internet thành công. Kết thúc một buổi làm việc với chúng tôi, trưởng đoàn người Thái Lan rất hồ hởi, thay vì câu chào “See you again!” ông ấy lại nói: “See you on Internet!”. Lời chào ấy càng khiến mình sốt ruột, trăn trở khi trong nước công nghệ bưu chính viễn thông sau giai đoạn đổi mới quyết liệt, cơ sở kỹ thuật đã khá ổn với đài vệ tinh, hệ thống kỹ thuật số, cáp quang…
Khi được Thường trực Bộ Chính trị đồng ý, ngay lập tức, Ban điều phối quốc gia mạng Internet đã có buổi báo cáo với Thủ tướng Phan Văn Khải. So với những lần trước, buổi làm việc lần này có nhẹ nhàng hơn nhưng cũng đầy lo toan. Khi tiễn ra cổng, Thủ tướng vỗ nhẹ lên vai tôi và nói: “Trực cố gắng quản lý Internet cho tốt, nếu mở ra mà phải đóng lại thì Việt Nam không biết ăn nói thế nào với thế giới!”. Đất nước vừa đổi mới, tham gia hội nhập, kết nối Internet chính là dấu hiệu mở cửa thực sự. Vì vậy, bạn bè quốc tế cũng đang quan sát, thăm dò Việt Nam rất kỹ. Do vậy, tôi hiểu rằng, so với trách nhiệm nặng nề mình đang mang thì chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện hoàn toàn không có ý nghĩa.
Và cuối cùng, ngày 19/11/1997, Ban điều phối quốc gia mạng Internet chính thức tổ chức lễ khai trương dịch vụ Internet tại Việt Nam. Sau này, tôi cũng gặp lại nhiều đối tác nước ngoài, họ cho biết chính động tác này đã làm họ yên tâm chọn Việt Nam là nơi đầu tư sản xuất.
Giờ thực hành có ứng dụng CNTT tại một trường THCS trên địa bàn tỉnh Điện Biên - Ảnh: Nguyễn Hùng Cường |
Bước ngoặt thần kỳ đến cách mạng 4.0
Nếu so sánh trước và sau 20 năm sau khi vào Việt Nam, ông có thể đánh giá vai trò của Internet đối với sự phát triển KT-XH Việt Nam như thế nào?
Hơn 20 năm trước, không những Việt Nam mà cả nhân loại còn sống trong không gian vật lý. Từ khi có Internet, đi kèm dịch vụ và khả năng không tưởng, loài người đã có cuộc sống mới, không gian mới. Đó là không gian mạng, hay còn gọi cuộc sống online. Và đây là cuộc sống rất thật chứ không phải ảo như nhiều người vẫn nghĩ. Không thể tưởng tượng một ngày sống thiếu Internet, cuộc sống sẽ diễn ra như thế nào?
Chính nhờ Internet đã kéo theo sự lớn mạnh ấn tượng của ngành công nghệ thông tin và viễn thông, kèm theo đó là những đột phá thay đổi trong cách thức giao tiếp và làm việc giữa con người với con người. Ứng dụng Internet đã góp phần nâng cao hiệu quả năng suất lao động trong tất cả ngành nghề kinh tế từ sản xuất tới dịch vụ. Tới nay, nhiều ngành, lĩnh vực nếu không có Internet sẽ không hoạt động được như: Ngân hàng, hải quan, viễn thông, hàng không… và tất nhiên cả báo chí (cười).
Không thể phủ nhận những lợi ích mà Internet đem lại, song nhiều quan điểm cho rằng mặt tiêu cực mà Internet ảnh hưởng tới đạo đức, ổn định xã hội cũng không phải ít? Vậy nên quản lý như thế nào để vừa hạn chế, ngăn chặn tiêu cực mà vẫn đảm bảo hội nhập quốc tế?
Bản thân Internet không có tiêu cực cũng không có mặt trái. Internet là công trình vĩ đại nhất của nhân loại. Nó là một ngôi nhà chung rất đẹp và ngày càng hoàn thiện thêm nhiều dịch vụ tiện nghi. Tuy nhiên, trong ngôi nhà chung ấy không chỉ có người tốt mà còn có cả người xấu mang hành vi, suy nghĩ xấu từ đời thực vào online. Hành vi xấu ấy có thể là thông tin bịa đặt, vu khống, trộm cướp, bạo lực… Để ngăn chặn những hành vi tiêu cực, có thể áp dụng nhiều biện pháp như: Sử dụng kỹ thuật công nghệ như bức tường lửa; phần mềm ngăn chặn… Thứ hai, là giải pháp về hành chính và cơ chế luật pháp…Song quan trọng hơn cả là giải pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao dân trí để từng người tự bảo vệ mình bớt hành vi xấu, không “xả rác” trong không gian mạng. Đối với những luồng thông tin bịa đặt, vu khống tốt nhất chúng ta nên dùng thông tin trung thực, chính xác và kịp thời bởi chỉ có thông tin mới giải tỏa được thông tin..
Đương nhiên, phải cương quyết quản lý nhằm ngăn chặn hành vi tiêu cực trên mạng xã hội. Song với những yếu tố tích cực của Internet thì cần khuyến khích tạo điều kiện phát triển chứ không nên quản lý mà nói thật muốn quản cũng không được. Thay vì tư duy cũ không quản được thì cấm, chúng ta nên hướng tới quan điểm quản lý phải theo kịp sự phát triển. Đó mới là cách thức quản lý hiệu quả nhất. Đừng vì lo ngại trình độ quản lý yếu kém mà tạo nên rào cản với Internet.
Theo ông thời gian tới Internet sẽ hỗ trợ gì cho Việt Nam theo đuổi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế?
Sau 25 năm có mặt trên thế giới và 20 năm tại Việt Nam, Internet đã phát triển chuyển qua giai đoạn kết nối giữa con người với con người (IOP) sang sang giai đoạn mới kết nối vạn vật (IOT). Đây chính là nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0. Không có IOT thì không có cách mạng 4.0. Vì vậy, hơn lúc nào hết, Việt Nam phải tận dụng lợi thế về thị trường, công nghệ số để thúc đẩy Internet phát triển. Nói cách khác, khi còn quá nhiều rào cản, hạn chế Internet phát triển cũng là hạn chế cơ hội tiếp xúc của Việt Nam đối với cách mạng 4.0.
Nếu ở hai cuộc cách mạng đầu tiên (cách mạng cơ khí hóa và điện khí hóa) Việt Nam bị chậm chân hàng trăm năm thì với cuộc cách mạng 4.0 lần này sẽ mở cơ hội cho chúng ta rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Thậm chí, nếu có sự chuẩn bị đầy đủ, có thể Việt Nam sẽ cố gắng đi kịp chuyến tàu cùng thế giới với cách mạng công nghệ 4.0.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận